Vào đêm ngày 1/8 ở xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tuyến đê sông tại ấp Phụng An đã bị sạt lở dài gần 40m, lấn sâu vào đất liền khoảng 10m làm nhà của 1 hộ dân sinh sống tại đây bị sạt lở hết phần sân xuống sông An Mỹ, căn nhà chính cũng đang có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào vì đã có vết nứt, lại đang vào mùa mưa cộng với dòng nước sông đang chảy xiết.

sat lo o soc trang dien bien phuc tap va ngay cang nghiem trong
Sạt lở nghiêm trọng tại sông An Mỹ, Kế Sách

Sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến một đoạn đê bao sông kết hợp với đường giao thông nông thôn và một đoạn bờ kè bê tông chống sạt lở. Ngoài ra, một cống tiêu thoát nước phục vụ sản xuất cho khoảng 200 ha đất trồng cây ăn trái gần đó cũng bị ảnh hưởng nặng.

Chị Lê Thị Kiều Oanh ở ấp Phụng An, người có căn nhà bị ảnh hưởng cho biết: “Vào khoảng 12h thì xảy ra sạt lở, chạy ra thì đã xuống sông hết. Từ đây ra bờ sông dài cỡ 9-10m”.

sat lo o soc trang dien bien phuc tap va ngay cang nghiem trong
Công trình bờ kè chống sạt chưa thi công hoàn thành cũng bị sạt lở.

Trước đó, cũng trên đoạn đê sông này, đã có 4 đoạn bị sạt lở kéo đất xuống sông, chia cắt giao thông đi lại của người dân, tổng chiều dài cũng trên 200m.

Ông Huỳnh Phú Danh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Mỹ, huyện Kế Sách cho biết, so với nhiều năm, tình hình sạt lở từ đầu năm đến nay tại xã diễn biến phức tạp, khó lường và mức độ nghiêm trọng hơn và nhiều hơn. Hiện nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan và người dân trong khu vực bị sạt lở thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời.

Ông Huỳnh Phú Danh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Mỹ cho biết thêm: "Nhận được tin người dân báo, chúng đã báo cáo nhanh về ủy ban nhân dân huyện thì Ủy ban nhân dân huyện có chỉ đạo; thì Đảng ủy, Ủy ban xã cũng có điều lực lượng vô để tiếp hộ dân, trước mắt là di dời, đồ đạt, nhà cửa, tháo dỡ. Thứ hai là chúng tôi vận động tạo mọi điều kiện để mọi người dân có đường đi, giao thông thông suốt. Tiếp nữa là phối hợp với điện lực sau đó điện lực huyện đã dời đi 4 trụ điện hạ thế và 1 trạm trung thế để tránh nguy hiểm khi mà sạt lở trên địa bàn".

sat lo o soc trang dien bien phuc tap va ngay cang nghiem trong
Đoạn sạt lở đê sông Cái Côn tại xã Xuân Hòa.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, trên địa bàn huyện Kế Sách cũng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa. Sạt lở nhấn chìm 20m đoạn đê bao xuống sông Cái Côn và làm một căn nhà bán kiên cố bị sụp đổ hoàn toàn. Ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, người có căn nhà bị thiệt hại cho biết: "Đang ngủ đến hơn 3h thì tôi nghe nhiều âm thanh rất khủng khiếp. Chạy từ phòng ngủ ra thì phát hiện nhà tôi đã sập xuống sông rồi".

Từ đầu năm đến nay, huyện Kế Sách đã có hơn 60 đoạn sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.600m, ước tổng thiệt hại khoảng 3,9 tỉ đồng. Ngoài ra, sạt lở còn làm thiệt hại 11 căn nhà của người dân ở các xã: Ba Trinh, Nhơn Mỹ, An Mỹ, Thới An Hội và Xuân Hòa. Tuy các vụ sạt lở xảy ra gần đây không thiệt hại về người nhưng các công trình nhà ở, đường giao thông, trụ điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

sat lo o soc trang dien bien phuc tap va ngay cang nghiem trong
Di dời trụ điện tránh sạt lở.

Thông tin về tình hình khắc phục, ông Châu Văn Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách cho biết: "Tình hình khắc phục cụ thể đối với đê cồn, đê bao, sở Nông nghiệp đã phối hợp với huyện đang các thủ tục để hỗ trợ, gia cố đê cồn chiều khoảng 1.200m. Đối với ở huyện đã khắc phục sạt lở 7 đoạn, chiều dài là 259m và đang xử lý ngay 25 điểm sạt lở nghiêm trọng chiều dài là 883m để đảm bảo giao thông, ngăn chặn nước, phục vụ cho sản xuất. Ngoài ra thì sở Nông nghiệp phối hợp huyện đã khảo sát, đang hoàn thành hồ sơ xử lý các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 1400m nữa...."

sat lo o soc trang dien bien phuc tap va ngay cang nghiem trong
Vết nứt sạt lở để lại.

Không chỉ riêng Kế Sách, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, nhất là ở các địa phương ven sông, ven biển có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như Long Phú, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu làm nhiều đoạn đê sông, đường đất bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền, đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tình hình sản xuất của người dân.

Nguy hiểm hơn, trước khi xảy ra sạt lở thì những điểm này hoàn toàn không có dấu hiệu rạn nứt. Các đoạn đê hay tuyến đường đất tưởng chừng như khá chắc chắn bỗng dưng bị sạt lở, lấn sâu vào sát nhà khiến nhiều người dân ngỡ ngàng và không có giải pháp phòng ngừa trước.

sat lo o soc trang dien bien phuc tap va ngay cang nghiem trong
Giao thông bị ảnh hưởng do sạt lở.

Tình hình sạt lở diễn ra phức tạp trong mùa mưa, số vụ xảy ra nhiều và lấn sâu hơn so với mỗi năm là do dòng nước ở các sông chảy xiết, có nơi xoáy vào chân đê làm đất ở các khu vực này bị xói mòn dần và sạt lở. Ở các con sông lớn lại có nhiều tàu, bè lưu thông cũng gây áp lực đến bờ sông, nhất là các đoạn xung yếu không có bờ kè chắc chắn nên dễ xảy ra sạt lở./.