Đó là phần mở đầu bài giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới (CSM) của Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4). Đây là cách đặt vấn đề trực diện, khởi động tư duy cho người học ngay từ đầu, được Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 309 chỉ đạo thực hiện theo phương châm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, truyền thống cho chiến sĩ. Với cách giáo dục gần gũi, sát thực tiễn, ngoài những nội dung thống nhất theo quy định của Tổng cục Chính trị, các đơn vị trong toàn sư đoàn chủ động soạn bài giảng giới thiệu ngắn gọn, khái quát truyền thống đơn vị, địa phương, những tấm gương anh hùng trẻ tuổi của dân tộc, quân đội, quân đoàn... để giới thiệu cho bộ đội hiểu, nhân lên niềm tự hào.

sang tao va da dang hoa hinh thuc giao duc bo doi
Chiến sĩ mới Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309) nghe giới thiệu truyền thống đơn vị.

Đại úy Trần Minh Định, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8, cho biết: “Căn cứ chương trình khung giáo dục truyền thống cho CSM, chúng tôi tìm hiểu thêm tư liệu, biên soạn ngắn gọn nội dung về các anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi, như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu, Đặng Thùy Trâm, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc… và các tấm gương cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại quân đoàn, sư đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, nhiệt huyết cách mạng; trên cơ sở đó bồi đắp tình cảm, lý tưởng, niềm tin cho chiến sĩ. Điều quan trọng là, sau từng nội dung phải rút ra định hướng nhận thức, gắn với chức trách, nhiệm vụ cụ thể để chiến sĩ học tập, noi theo”.

Khi tổ chức tham quan nhà truyền thống, Sư đoàn 309 yêu cầu không sử dụng thuyết minh viên chuyên trách mà chỉ đạo giao cho cán bộ chính trị các cấp trực tiếp giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày theo chủ đề, giai đoạn lịch sử. Do vậy, để hoàn thành tốt vai trò “hướng dẫn viên”, cán bộ phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các hiện vật, hình ảnh, tham khảo tư liệu để nắm chắc lịch sử, tự tin giải đáp thấu đáo những câu hỏi của chiến sĩ trong quá trình tham quan. Đây là cách bồi dưỡng, tự học nhằm nâng cao trình độ, hiểu biết cho cán bộ. Tuy nhiên, cơ quan chính trị phải định hướng, kiểm tra, phê duyệt nội dung trước khi giao cho cán bộ đơn vị hướng dẫn, thuyết minh tham quan nhà truyền thống để bảo đảm thống nhất trong toàn sư đoàn. Sau khi tham quan, các đơn vị triển khai cho bộ đội viết cảm nhận để đánh giá kết quả; lựa chọn những bài cảm nhận có chất lượng tốt, tổ chức đọc, bình, thảo luận ở trung đội, đại đội, chú trọng nội dung liên hệ trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo Thượng tá Hồ Duy Thường, Chính ủy Trung đoàn 31, thông qua bài thu hoạch viết cảm nhận, đội ngũ cán bộ có thể nắm bắt được trình độ nhận thức, tâm tư, nguyện vọng của CSM để có biện pháp định hướng, giáo dục kịp thời, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn đơn vị.

Không chỉ nghe giới thiệu, tìm hiểu trực tiếp tư liệu, hiện vật, CSM ở Sư đoàn 309 còn được thưởng thức nhiều chương trình văn nghệ, hội diễn lấy chất liệu lịch sử truyền thống làm chủ đề để dàn dựng; tham gia diễn đàn thanh niên, giao lưu giữa CSM với đại diện chiến sĩ cũ; nghe cựu chiến binh của sư đoàn, trung đoàn kể chuyện truyền thống; tham quan địa danh, di tích lịch sử nơi đơn vị từng đóng quân, chiến đấu; tập và thường xuyên hát các ca khúc lịch sử sư đoàn… CSM Lý Bá Tùng, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 31), quê ở huyện Châu Thành (Bến Tre), tâm sự: “Các hình thức tuyên truyền, giáo dục của đơn vị rất trực quan, sinh động, lại có nhân chứng, sự việc cụ thể, dễ hiểu, tính thuyết phục và độ tin cậy cao giúp chúng tôi củng cố quyết tâm, nỗ lực học tập, rèn luyện, xây dựng đơn vị, xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất của thế hệ cha ông”.

Tất cả bài giáo dục chính trị và giáo dục truyền thống được chỉ huy các cấp và cơ quan chính trị thông qua nội dung trước 4 đến 5 ngày để cán bộ có thời gian thục luyện; sắp xếp lịch dự giờ, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm sau từng bài giảng; duy trì nền nếp trao đổi giữa người học và người dạy để điều chỉnh phương pháp, kỹ năng sư phạm, tạo sự tương tác hai chiều. Hằng tuần, hằng tháng, cơ quan chính trị tổ chức kiểm tra nhận thức thông qua trắc nghiệm, vấn đáp, trả lời nhanh... để đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của CSM. Đại tá Phạm Văn Cát, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 309, chia sẻ: “Hiện tại, sư đoàn đang chuẩn bị kiểm tra chương trình giáo dục truyền thống đối tượng CSM. Nội dung, hình thức kiểm tra được cơ quan chính trị hướng dẫn cụ thể trên tinh thần đổi mới, sát thực, chất lượng, hiệu quả. Chúng tôi cho rằng, cốt lõi của giáo dục truyền thống là phải giúp cho chiến sĩ chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động, thêm tự hào, tin tưởng; từ đó xác định rõ trách nhiệm kế tục, quyết tâm tu dưỡng, phấn đấu vươn lên, góp phần tô thắm truyền thống của đơn vị anh hùng”.