Dự kiến ngày 5/5, tại Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với công nhân và người lao động tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.

Chủ đề của cuộc đối thoại năm 2018 là “Năng suất lao động và phúc lợi cho đoàn viên công nhân” với các nội dung cụ thể, như: Bàn về thúc đẩy năng suất lao động, tăng phúc lợi cho đoàn viên công nhân, giải đáp các chính sách về lao động việc làm và công đoàn...

Việc tăng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, mà chưa phải là sự cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế.

sang tao la chia khoa tang nang suat lao dong
Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Năng suất lao động thấp, do đâu?

Theo Tổng cục Thống kê, thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua từng năm. Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2007-2016, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Phillippines. Dù vậy, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với các nước trong khu vực.

Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, cách xa với các nước trong khu vực ASEAN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, nguyên nhân chính là do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ “mũi nhọn” như tài chính, tín dụng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp. Lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.

Phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Tiếp đến là trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế…

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế, năng suất lao động cao đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, chống tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Để không rơi vào tình trạng suy giảm năng suất, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cho thấy, sáng tạo là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng và các nền kinh tế này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực, định hướng xuất khẩu.

Chính vì vậy, điều Việt Nam có thể học hỏi là tập trung vào phát triển con người thông qua tăng cường giáo dục về khoa học, công nghệ; tăng cường giáo dục kỹ thuật và đào tạo tay nghề; thu hút tài năng, kinh nghiệm từ người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài.

Ba nút nghẽn cần tháo gỡ

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, năng suất lao động là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế có cạnh tranh hay không phụ thuộc vào năng suất lao động cao hay thấp. Muốn thay đổi phải tháo gỡ các nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng - đây là 3 nút nghẽn hạn chế tăng năng suất lao động.

Cùng với đó còn có hai vấn đề là mô hình kinh doanh và công nghệ đang thay đổi chóng mặt, doanh nghiệp cũng cần thay đổi và thích ứng. Chính phủ phải cải cách thể chế, doanh nghiệp phải nâng mình lên để bắt kịp với mô hình kinh doanh hiện đại và tăng trưởng kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc công ty cổ phần May 10 nhấn mạnh, cần phải có cơ chế để nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải tự giác, tự lực, tự chủ, tự cường, “tự cứu mình trước khi trời cứu”.

Doanh nghiệp phải đào tạo nguồn nhân lực sẵn có, đào tạo ngoại ngữ, công nghệ, đừng coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức mà phải coi là cơ hội, nếu không làm sẽ thất bại. Cùng với đó, các bộ, ban, ngành cần lắng nghe, coi doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế, thường xuyên gặp doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, năng suất lao động Việt Nam thấp có liên quan rất lớn đến năng lực đổi mới, sáng tạo của người lao động. Người lao động không được làm việc trong môi trường tự do sáng tạo và khuyến khích sáng tạo. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý vẫn mang tâm lý không quản được thì cấm, nhiều ngành, nghề và nhiều ý tưởng của người dân, doanh nghiệp không được phát huy.

Nên muốn tăng năng suất lao động đòi hỏi phải hình thành một xã hội sáng tạo. Mọi sáng kiến dù là nhỏ nhất cũng cần phải được xã hội nuôi dưỡng và trân trọng mới có nền tảng để tăng năng suất lao động. Muốn tăng trưởng phải cải thiện năng suất lao động, giải quyết ngay các nút thắt cổ chai về cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ để tăng giá trị cho sản phẩm. Lâu nay, chúng ta chỉ giải quyết vấn đề theo cách xử lý hiện tượng mà không đi vào bản chất vấn đề. Nay đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi cách làm./.