Xử lý bom đạn nói chung và đạn dược cấp 5 không thể sửa chữa nói riêng là việc bắt buộc phải thực hiện đối với ngành quân khí nhằm bảo đảm an toàn về con người, đạn dược, hệ thống kho tàng, trang thiết bị cất giữ. Đối với các loại đạn súng cấp 5 thông thường, các đơn vị vẫn đang áp dụng các phương pháp đào hố đốt và lò đốt HĐ-ĐS-01. Tuy nhiên, đối với các loại đạn súng nổ cháy nhanh thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, các quy trình trên không cho phép áp dụng. Dù có điều chỉnh để vận dụng, nhưng chưa đạt được hiệu quả xử lý tối ưu, còn yếu tố nguy hiểm và chi phí cao. Đây chính là vấn đề cấp thiết để nhóm nghiên cứu của Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ đưa ra sáng kiến giải quyết thực trạng trên.

Chia sẻ về sáng kiến thiết bị hủy đốt cơ động mới, Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh giao, cũng như thực tế tồn dư các loại đạn thu gom cần được xử lý cấp 5 tại nhiều nơi trên toàn quốc, cũng như phương pháp xử lý đạn dược cấp 5 hiện có là đào hố đốt và lò đốt HĐ-ĐS-01 chưa đạt được hiệu quả tối ưu do khác về đối tượng xử lý.

sang kien nang cao hieu qua huy dot dau dan sung thu gom ton du
Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ, Phó trưởng phòng Quân khí, Cục Kỹ thuật, Binh chủng Công binh.
sang kien nang cao hieu qua huy dot dau dan sung thu gom ton du
Thiết bị cơ động hủy đốt đầu đạn súng sử dụng nhiên liệu dầu, dầu thải.

Ở cách làm hiện tại, phương pháp đào hố đốt chỉ xử lý được khối lượng đạn dược có giới hạn, còn phương pháp sử dụng lò đốt HĐ-ĐS-01 chỉ xử lý được các loại đạn súng cấp 5. Cả hai phương pháp đều không thể xử lý triệt để được các loại đạn nổ cháy nhanh. Khi buộc phải áp dụng 2 phương pháp trên cho các loại đạn súng nổ cháy nhanh, thì quá trình xử lý đạn không triệt để, phải đốt nhiều lần gây lãng phí và kém hiệu quả.

“Khi được giao nhiệm vụ, tôi đã có ý tưởng về thiết bị mới khắc phục được cái yếu điểm của các phương pháp cũ. Khi sắp xếp các ý tưởng, tôi vô tình đã thấy thiết bị trộn bê-tông xây dựng nên đã đưa ra ý tưởng nghiên cứu về thiết bị đốt cơ động xử lý đạn súng cải tiến kết hợp giữa máy thổi và hệ thống lồng xoay để xử lý đạn súng”, Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ nói. Sáng kiến của nhóm nghiên cứu đã đề xuất một giải pháp xử lý mới đối với đạn súng thu gom, khắc phục các tồn tại khi áp dụng quy trình cũ.

Hệ thống thiết bị lò hủy đốt mới có kết cấu đơn giản, gồm nhiều thiết bị dễ tìm kiếm và giá thành rẻ; ứng dụng và kế thừa nhiều điểm từ lò đốt HĐ-ĐS-01, nhưng được bổ sung các thiết bị giúp tăng hiệu quả đốt và xử lý đạn súng. Hệ thống lò đốt gồm lồng đốt đạn chính làm từ thép gia cường 40X, dày 10mm, chống chịu được các vụ nổ tới 100gram thuốc nổ TNT, các thiết bị phun dầu; động cơ thổi, quay lồng và giá đỡ. Các thiết bị đều rất đơn giản, dễ tháo lắp và triển khai.

Điểm mạnh của thiết bị cơ động hủy đốt đầu đạn súng là sử dụng động cơ quạt gió thổi cung cấp nhiều không khí vào trong lồng đốt thay vì để cháy tự nhiên như lò cũ. Cách làm này làm tăng lượng không khí để nâng cao hiệu quả cháy và gia nhiệt trong lồng để đạn súng được xử lý triệt để. Cùng với đó, cơ cấu đảo đều của lồng xoay giúp phân bố nhiệt đều và tránh đạn trong lồng bị vón cục gây nổ. Nhiên liệu đốt lò là dầu và dầu thải có giá rẻ, dễ tìm kiếm. Sự kết hợp các yếu tố trên không chỉ giúp xử lý triệt để các loại đạn súng thông thường, mà còn cả các loại đạn nổ cháy nhanh với chi phí thấp hơn nhiều so với 2 phương pháp xử lý đạn dược cấp 5 thu gom hiện có.

sang kien nang cao hieu qua huy dot dau dan sung thu gom ton du
Thiết bị được thử nghiệm trong thực tế.
sang kien nang cao hieu qua huy dot dau dan sung thu gom ton du
Hiệu quả hủy đạn súng đạt hiệu quả cao.

Thiết bị hủy đốt đầu đạn súng sử dụng nhiên liệu dầu, dầu thải của nhóm nghiên cứu do Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ đã được Nhà máy Z49, Binh chủng Công binh, chế tạo. Quá trình thử nghiệm lò đốt mới tại Lữ đoàn 279, Binh chủng Công binh đã chứng minh hiệu quả xử lý. Đạn hủy nổ cháy hết trong một lần đốt; nhiệt lượng cung cấp lớn, thời gian từ khi bắt đầu đốt đến khi đạn bắt đầu nổ nhanh, thời gian đốt hoàn toàn một lần nhanh, thao tác thuận tiện. Khối lượng đạn để đốt phụ thuộc vào dung tích của lồng đốt và có thể điều chỉnh tăng theo ý định của người chỉ huy và xử lý triệt để được các loại đạn thu gom. Thiết bị lò hủy đốt mới có thể đốt mỗi mẻ 100-120kg, hủy được các loại đạn cỡ lớn. Chỉ sau 30-35 phút đốt, toàn bộ khối lượng đạn súng hủy đốt được xử lý hoàn toàn. Trong thực tế, quá trình xử lý, lò đốt mới đã chứng minh được hiệu quả tại Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn trong một số quyết định xử lý đầu đạn thu gom.

Hiệu quả của sáng kiến đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp binh chủng và các Hội đồng khoa học của Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 19 và thủ trưởng các cấp đánh giá cao. Đề tài của nhóm nghiên cứu do Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ đã đạt giải Nhất, Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm lần thứ 19.

Hiện tại, sáng kiến lò đốt mới đang được tiếp tục được hoàn thiện để nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tế xử lý đạn thu gom./.