Người dân chăm sóc vườn hoa theo chương trình nông nghiệp công nghệ cao.
Người dân chăm sóc vườn hoa theo chương trình nông nghiệp công nghệ cao.
Từng bước từ bỏ thói quen canh tác nông nghiệp lạc hậu, thay đổi từ trong nếp nghĩ đến cách làm, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Ðồng đã mạnh dạn đột phá, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Và trên những cung đường của buôn làng, bộ mặt nông thôn mới đã mở ra...

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, lão nông Krajan Yu Ny (65 tuổi, dân tộc Cơ Ho, thôn 1, xã Ðạ Sar) cho hay: Trước đây, nhà ông có hơn một ha cà-phê, nhưng mỗi năm chỉ thu hoạch được một lần, giờ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà kính, hệ thống tưới nước tự động, giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật... cho nên ông chuyển sang đầu tư trồng rau, hoa công nghệ cao. "Ban đầu chuyển đổi sản xuất theo quy trình này vất vả lắm, giờ quen rồi, làm nông nghiệp sướng lắm. Hiện, mỗi năm nhà mình thu hoạch luân phiên đến năm lứa rau, hoa, thu nhập khá hơn rồi" - Krajan Yu Ny thổ lộ.

Gia đình ông Krajan Yu Ny là một trong những hộ đầu tiên ở xã Ðạ Sar mạnh dạn phá thế độc canh cây cà-phê, chuyển hướng sản xuất mới và trở thành mô hình làm ăn kiểu mẫu tại địa phương. Với diện tích hơn 2.000 m2 nhà kính trồng rau, hoa, trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần một nửa, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo kiểu "cầm tay chỉ việc" của cán bộ nông nghiệp huyện, sản phẩm của gia đình ông đã đến được những thị trường khó tính, vào siêu thị, thông qua chuỗi liên kết "nhà nông - doanh nghiệp" được kết nối từ huyện.

Tôi tìm gặp "điển hình" vượt khó của xã Ðạ Sar là Lơ Mu Ha Diệu (45 tuổi, thôn 1). Ha Diệu nói: Vườn nhà có 1.300 m2 thôi, cho nên mình phải trồng luân canh bốn vụ rau, như sú trái tim, xà lách, bí ngồi... mỗi năm cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng. Giống, phân bón được doanh nghiệp cho vay, trừ vào sản phẩm sau thu hoạch được họ bao tiêu đầu ra.

Sản xuất nông nghiệp kiểu mới theo chủ trương của tỉnh Lâm Ðồng đã có sức lan tỏa rộng. Giờ đây, xã Ðạ Sar đã có hơn 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển hướng sản xuất sang trồng rau, hoa công nghệ cao, đã cơ bản "đuổi" được cái nghèo, nhiều gia đình khấm khá, nhờ mạnh dạn chuyển hướng sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Ðạ Sar Ya Tiong cho biết: Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức canh tác. Trước mắt là bảo đảm cuộc sống và vươn lên làm giàu trên chính mảnh vườn của mình.

Dưới chân núi LangBiang, huyện Lạc Dương ngày nay đã xuất hiện nhiều nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao. Ðang điều chỉnh hệ thống phun tưới tự động cho vườn rau của gia đình, anh Cil Nôm (dân tộc Cơ Ho, buôn Bon Ðơng 1) cho hay: Trước đây mình làm ruộng, nhưng mỗi năm một vụ, không đủ sống. May mắn mình được đi học lớp sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, thế là bỏ ruộng trồng rau, hoa theo công nghệ cao. Giờ thì không lo con bị thất học nữa rồi. Với 500 m2 nhà kính, Cil Nôm được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương giúp đỡ từ khâu làm đất, bón phân lót, xuống giống đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch... Giờ anh đã thuần thục quy trình sản xuất

nông nghiệp công nghệ cao, vườn của gia đình anh đã trở thành "mô hình điểm" để các hộ đồng bào dân tộc tại địa phương đến học hỏi.

Trưởng thôn ÐanKia Cil Brét nói: Bây giờ, đời sống của bà con khá lên nhiều rồi, nhờ Nhà nước giúp chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học, công nghệ mà đã biết trồng rau, hoa thương phẩm, đồng bào mình vui lắm.

Năm 2013, huyện Lạc Dương triển khai hiệu quả 10 mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông để sản xuất các loại rau, hoa theo đặt hàng bao tiêu sản phẩm. Trong đó, tất cả nhà nông được chọn làm mô hình điểm đều là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Ðịa phương đang tiếp tục triển khai những mô hình mới cho kế hoạch năm 2014.

Với việc triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao, nhất là phương pháp "xuống tận nơi, ra thực tế" khi đưa chương trình về buôn tại Lâm Ðồng đã tạo nên những đột phá mới, từ thay đổi tư duy, phương thức quản lý sản xuất, đến những tác động về mặt kỹ thuật, hiệu quả sản xuất, thu hút đầu tư, sức hấp dẫn và sự lan tỏa của các mô hình. Giờ đây, người nông dân không chỉ tư duy trên luống cày của mình, họ đã mở tầm nhìn ra thị trường rộng lớn...

Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, đó là thói quen canh tác nông nghiệp truyền thống chưa tổ chức tốt "lịch mùa vụ", công tác dự báo thị trường chưa được quan tâm đồng bộ và chưa có cái "bắt tay" thật sự trong chuỗi liên kết "sản xuất - tiêu thụ"... Tỉnh Lâm Ðồng đã thấy rõ những điều đó và đang tìm cách tháo gỡ, để những mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mới phát triển bền vững, góp phần thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi của tỉnh.

Theo Nhân Dân