Từ hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất lúa giống, thời gian qua, nông dân tỉnh Quảng Nam mạnh dạn mở rộng sản xuất lúa giống với mong muốn mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Vụ lúa này, gia đình ông Nguyễn Nhân, xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Duy Hòa 2, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thu hoạch hơn 3 tấn lúa giống. Ông Nhân cho biết, lâu nay nông sản bán ra thị trường bị thương lái ép giá. Nhưng bây giờ có Hợp tác xã liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm, bà con không còn phải lo đầu ra, lợi nhuận tăng gần gấp đôi.

“Mô hình liên kết sản xuất lúa giống mang lại nhiều hiệu quả. Vụ vừa qua, gia đình sản xuất và bán hơn 3,5 tấn lúa giống cho lãi 2 triệu đồng/tấn”, ông Nhân cho biết.

san xuat lua giong theo chuoi cho hieu qua kinh te cao
Mô hình liên kết lúa giống theo chuỗi đang lang lại hiệu quả cho bà con xã viên Hợp tác xã Duy Hòa 2, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất là định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa của Hợp tác xã Duy Hòa 2. Hợp tác xã này hiện có 60 ha lúa giống sản xuất tập trung ở “cánh đồng mẫu lớn”.

Hơn 400 xã viên Hợp tác xã tổ chức liên kết với các công ty giống, ký hợp đồng sản xuất các giống lúa thuần, vừa đảm nguồn giống kỹ thuật phục vụ sản xuất hằng vụ, vừa thu mua bán cho các công ty để tăng giá trị sản phẩm. Tiền bán lúa giống so với lúa thịt tăng từ 7 - 10 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Trần Xuân Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Duy Hòa 2 cho biết, ngay từ đầu vụ Hợp tác xã lựa chọn một số doanh nghiệp có uy tín ký hợp đồng hợp tác sản xuất lúa giống.

“Hiện nay Hợp tác xã ký kết chính với công ty Thái Bình, Công ty Trung ương Quảng Nam và Công ty Việt Nam tạo nên thành công rất lớn. Những hộ sản xuất lúa giống bị lẫn tạp đến nay chỉ chiếm tỷ lệ 1% trên tổng các số hộ. Điều này đã tạo niềm tin cho bà con nông dân an tâm sản xuất, mang lại lợi nhuận cao”, ông Dũng cho hay.

Theo ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, mời gọi doanh nghiệp liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Để thực hiện được mối liên kết này, Hợp tác xã cần phải có mối quan hệ và uy tín và tạo sự tin cậy đối với doanh nghiệp và người lao động.

Ông Lê Trí Thanh đề nghị, ngành nông nghiệp và các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, đặc biệt là chính sách tín dụng và thị trường xuất khẩu.

“Sở Nông nghiệp làm việc với Hội Nông dân, Liên minh các Hợp tác xã của tỉnh hỗ trợ cho các Hợp tác xã sản xuất lúa giống ở các địa phương xây dựng các hợp đồng với các doanh nghiệp cho chặt chẽ. Trách nhiệm quyền lợi các bên phải rõ ràng, nhất là khi xảy ra các vấn đề gì xảy ra tranh chấp phải xử lý được ngay, không để kéo dài”, ông Thanh chỉ rõ./.