san xuat che huu co xu huong phat trien ben vung da ps
Xã viên Hợp tác xã chè La Bằng, huyện Đại Từ thu hoạch chè.

Nhận thấy những lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông sản, vì thế, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng và sử dụng rộng rãi các sản phẩm hữu cơ. Vì thế, năm 2019, Hợp tác xã chè La Bằng, huyện Đại Từ đã đăng kí và được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ với diện tích 10 ha. Tham gia mô hình, hợp tác xã được hỗ trợ tập huấn khoa học kĩ thuật, quy trình sản xuất cũng như phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Ban đầu khi chuyển đổi, các thành viên trong hợp tác xã khá bỡ ngỡ gặp nhiều khó khăn vì mất nhiều công và thời gian chăm sóc. Không chỉ có vậy, những năm đầu khi chuyển đổi, sản lượng chè sụt giảm do việc không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, nhờ kiên trì thực hiện mà giờ đây các thành viên đã nhận thấy rõ những kết quả cũng như lợi ích của quy trình sản xuất này. Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng cho biết: "Tôi thấy sản xuất theo hữu cơ mang lại nhiều lợi ích như: môi trường làm việc tốt hơn, người trồng và thu hoạch chè không phải ngửi mùi thuốc sâu, không khí trong lành; sản phẩm bón hữu cơ cũng cho chất lượng khác: trà uống đậm vị, hương thơm tự nhiên, giá thành khác hẳn so với chè không hữu cơ".

san xuat che huu co xu huong phat trien ben vung da ps
Anh Tô Văn Khiêm chăm sóc đồi chè của gia đình

Những năm trước đây, năng suất chè đạt thấp, giá trị sản phẩm chè chưa tương xứng với chất lượng. Đây là điều trăn trở của người dân vùng chè Tức Tranh, trong đó có anh Tô Văn Khiêm, Tổng Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc. Gắn bó với những vườn chè từ nhỏ, hiểu rõ sự vất vả để làm ra sản phẩm chè ngon, nhưng đời sống không cải thiện được là bao. Bởi vậy mà anh Khiêm cùng với các thành viên của Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc quyết tâm từng bước nâng cao giá trị cây trồng chủ lực của địa phương với việc tham gia mô hình sản xuất chè hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Hiện nay, các thành viên của Hợp tác xã tham gia mô hình đều xây bể hoặc đào hố rải bạt để ủ phân chuồng, ủ các phế phụ phẩm nông nghiệp và sử dụng phân hữu cơ vi sinh do mô hình hỗ trợ và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn để bón cho cây chè, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Anh Tô Văn Khiêm chia sẻ: "Sản xuất chè thông thường chỉ lấy được 1 tôm, 2 tép để sản xuất chè búp thông thường đưa ra thị trường. Nếu được chứng nhận chè hữu cơ, chúng tôi có thể tận dụng được hết những lá bánh tẻ".

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 22.000 ha chè, trong đó trên 200ha chè đang sản xuất theo hướng hữu cơ tại các vùng chè trọng điểm, ngoài ra còn có 5ha được cấp giấy chứng nhận IFOAM đạt tiêu chuẩn sản xuất chè hữu cơ. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của tỉnh cũng đã hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ, chè an toàn để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Cẩm Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân áp dụng triệt để, chặt chẽ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ; đồng thời, thường xuyên tổ chức sinh hoạt các tổ, nhóm cộng đồng để người dân trao đổi lẫn nhau kinh nghiệm và phát hiện những khó khăn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo sát, phù hợp điều kiện từng mô hình; dự kiến đến năm 2022 sẽ đủ điều kiện để cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ đối với mô hình này".

Trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cùng lối sống xanh của người tiêu dùng và thị trường thì việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp hữu cơ, không hóa chất là hướng đi tất yếu. Vì vậy, rất cần những giải pháp và sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương nhằm xây dựng thành công và nhân rộng mô hình hữu cơ góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm chè./.