Giờ đây đến lượt ông Trump, một vị Tổng thống giành được chiến thắng một cách rất bất ngờ, có phong cách lãnh đạo phá cách và đường lối đối ngoại “chưa từng có tiền lệ”.

roi ong trump se thay hoa binh trung dong khong de nhu hinh dung

Từ trái sang phải: Tổng thống Israel Rueben Rivlin, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong lễ đón ông Trump tại sân bay ở Jerusalem ngày 21/5. Ảnh: AP.

Ông Trump đáp xuống sân bay ở Jerusalem ngày 22/5, sau chuyến thăm 2 ngày ở Saudi Arabia, với tuyên bố rất háo hức đạt được “một thỏa thuận cuối cùng” cho Israel và Palestine. Chỉ vài ngày trước, ông còn nói với lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas rằng một thỏa thuận như thế, theo ông, “thành thật mà nói là có thể không khó như mọi người vẫn nghĩ nhiều năm qua”.

“Chỉ có những ai bỏ qua lịch sử Trung Đông và thực tế hiện nay mới có thể đưa ra bình luận như vậy”, nhà phân tích chính trị Trudy Rubin của tờ Philadelphia Enquirer (Mỹ) bình luận.

Có một số vấn đề mà đội ngũ cố vấn đối ngoại của ông Trump sẽ phải xem xét nghiêm túc khi muốn “nhào nặn” một thỏa thuận hòa bình Israel – Palestine.

Hạ bớt kỳ vọng về hòa bình

Nếu lắng nghe và quan sát kỹ lưỡng trong chuyến đi đến Trung Đông lần này, có thể ông Trump sẽ nhận ra rằng cần phải hạ bớt kỳ vọng về hòa bình Israel – Palestine. Bởi rõ ràng các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đều không sẵn sàng hay có khả năng nhượng bộ để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình một cách nghiêm túc.

Hơn thế nữa, thời điểm “vàng” để đạt được giải pháp hai nhà nước có thể đã trôi qua. Hiện nay cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chính phủ cực hữu của ông đều không muốn nuôi dưỡng ý tưởng về một giải pháp cho phép nhà nước Palestine tồn tại cạnh Israel, kể cả khi nhà nước đó phi quân sự. Bằng chứng rõ ràng là ông Netanyahu thông qua ngày càng nhanh và nhiều những dự án xây dựng khu định cư cho người Do Thái ở Bờ Tây thời gian gần đây.

Đội ngũ của Tổng thống Trump từng tuyên bố ông sẽ mang rất nhiều ý tưởng đến Trung Đông. Ông Trump từng khéo léo đề cập giải pháp “một nhà nước”. Nhưng kết quả của giải pháp này là những người Arab vốn không có quyền công dân Israel lại chiếm đa số ở đất nước này. Rõ ràng, Tổng thống Trump đã không mường tượng được những nguy cơ mà ý tưởng này có thể gây ra đối với sự tồn vong của Nhà nước Do thái.

Bức tranh toàn cảnh Trung Đông vẫn không đổi

Sau chuyến thăm Saudi Arabia, ông Trump dường như thêm tự tin rằng các nhà lãnh đạo thế giới Arab bắt đầu chú trọng hơn đến việc đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine để Trung Đông đoàn kết đối phó với Iran.

“Tôi được khích lệ rất nhiều vì cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo ở Saudi Arabia, trong đó có Quốc vương Salman, người đã nói chuyến rất lâu với tôi. Quốc vương Salman cũng cảm nhận rõ ràng điều đó và tôi có thể nói là [ông ấy – ND] cũng muốn thấy hòa bình giữa Israel và Palestine” – ông Trump chia sẻ với báo giới hôm 22/5 bên cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Đáp lại, ông Netanyahu cho biết: “Lần đầu tiên trong đời tôi thực sự nhìn thấy hy vọng thay đổi. Những nhà lãnh đạo Arab mà ông ấy gặp hôm qua (21/5) có thể tạo ra sự thay đổi cho bầu không khí, góp phần tạo điều kiện cho hòa bình thực sự”.

Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng thể hiện sự tin tưởng với nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm làm sống lại tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông Rober Danin nhận định rằng nguyên nhân của sự nồng nhiệt này là vì không bên nào muốn bị cáo buộc là không có thiện chí và đứng ở “phía bên kia” chiến tuyến so với ông Trump.

Bên cạnh đó, nhà phân tích chính trị Trudy Rubin cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump không nên để cho “sự hào nhoáng và lấy lòng” của Saudi Arabia đánh lừa rằng Trung Đông đã bước vào một kỷ nguyên mới. Kiểu liên minh nửa vời đang nhen nhóm giữa các nước theo Hồi giáo dòng Sunni ở vùng Vịnh Arab và Israel nhằm kiềm chế Iran tại khu vực có thể giúp quan hệ đôi bên được bình thường hóa ở mức khiêm tốn. Tiến bộ này thực sự đáng kể và cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, thậm chí chỉ những bước đi nhỏ như thế cũng đòi hỏi chính phủ Israel phải có động thái “có đi có lại”. Cơ bản nhất trong số những động thái này là việc tạm dừng xây thêm các khu định cư cho người Do thái trong khu chiếm đóng ở Bờ Tây. Thế nhưng, Israel cũng không thể nhượng bộ điều rất nhỏ đó.

Vì thế, càng không có triển vọng rằng Israel sẽ chấp nhận Sáng kiến Hòa bình Arab 2002 của Saudi Arabia, trong đó kêu gọi tất cả các nước Arab công nhận Nhà nước Do thái và đổi lại là Nhà nước Palestine được thành lập trên cơ sở đường biên giới năm 1967.

Từ bỏ cam kết chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem

Theo nhà phân tích Trudy Rubin, trong chuyến công du này, ông Trump không nên nhắc lại cam kết, thậm chí không nên đề cập một từ nào về lời hứa lúc tranh cử rằng sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem.

Đúng là Đại sứ quán Mỹ, nếu có được di dời, cũng chỉ nằm ở phần Tây Jerusalem, nơi được cho là thủ đô của Nhà nước Do thái trong thỏa thuận hòa bình tương lai. Tuy nhiên, các nước Arab, cùng với Palestine và thậm chí là phần đông người Israel đều cho rằng động thái này chỉ là một tín hiệu cho thấy Washington chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với toàn bộ Jerusalem, bao gồm phần phía Đông mà người Palestine muốn đặt thủ đô của nhà nước tương lai. Nói cách khác, Đông Jerusalem dứt khoát không thể là chủ đề đem ra đàm phán.

Bà Rubin cho rằng ông Trump không nên xem thường sức “công phá” của vấn đề Jerusalem. Chỉ cần một tuyên bố chính thức chuyển Đại sứ quán Mỹ có thể chấm dứt vĩnh viễn bất cứ tiến trình hòa bình nào khi nó còn chưa được “thai nghén”. Tuyên bố ấy sẽ làm bùng phát bạo lực ở Bờ Tây và trong thế giới Arab, làm suy yếu mối quan hệ khá tốt đẹp mới nhen nhóm giữa Israel và các nước vùng Vịnh Arab.

Tuy nhiên, đây mới là chuyến công du nước ngoài đâu tiên của ông Trump và dường như nó là chỉ là một chuyến “dã ngoại” để vị Tổng thống vốn xuất thân là doanh nhân này có cái nhìn sâu sắc hơn về chính trị khu vực Trung Đông cũng như thế giới, từ đó mới có thể cụ thể hóa những ý tưởng của ông, thay vì ngay lập tức đạt được một thành quả cụ thể nào chỉ sau vài ngày “cưỡi ngựa xem hoa” ở những địa danh mang tính biểu tượng tôn giáo với cả đạo Hồi và đạo Do thái./.