Sáng ngày 20 tháng 10 năm 1967 (Ngày Phụ nữ Việt nam), Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam đang họp, thì Tổng biên tập Trần Lâm cùng với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nghệ sĩ Quang Hưng đến. Sau khi thăm hỏi và trò chuyện, nhà báo Trần Lâm nói ngay: "Có việc quan trọng đề nghị các bạn cần hoàn thành ngay trong tháng 10 này. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sẽ bàn cụ thể với các bạn".

rao ruc nhung giai dieu xuan mau than 1968
Bộ binh và xe tăng quân Giải phóng tiến công thị xã Xuân Lộc, mở toang cánh cửa tiến về Sài Gòn (ảnh tư liệu).

Chỉ thị ngắn gọn ấy, ai nấy đều tò mò muốn biết, nhưng “bí mật”. Chục ngày sau chúng tôi mới biết đó là việc thu thanh bài hát “Tiến về Sài Gòn” của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước). Yêu cầu thu thanh 2 băng: một băng hát giọng miền Nam và một băng hát giọng miền Bắc.

Sau khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nghe và quyết định để nghệ sĩ Quang Hưng hát nghệ sĩ Hoàng Mãnh đệm Piano. Hôm thu thanh có thêm cả nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, Phó Tổng biên tập đến nghe để sửa cách phát âm giọng miền Nam cho chuẩn (vì nghệ sĩ Quang Hưng là người miền Bắc). Thu thanh băng thứ nhất xong, thu tiếp bảng thứ hai hát bằng giọng Bắc.

Rất vui là nghệ sĩ Quang Hưng đã làm trọn nhiệm vụ được giao sau 10 ngày nhận bài, liên tục luyện tập phát âm theo phương ngữ Nam bộ và rất hiệu quả. Ông Tiểng và ông Phước cùng thốt lên: "khỏi chê". Chúng tôi cũng phấn khởi vì hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổng biên tập Trần Lâm giao.

Chỉ 3 tháng sau, đúng tết Mậu Thân 1968, cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân toàn miền Nam đã chấn động địa cầu. Giọng hát của Quang Hưng đã vang lên trên làn sóng của Đài phát thanh Giải Phóng và cả trên Đài TNVN bằng cả giọng Nam và Bắc. Tốp ca nam của Đoàn ca nhạc thu thanh tiếp một băng bài hát này. Để phong phú hơn, đồng ca nam nữ Đoàn ca nhạc của Đài còn thu thêm một băng khác đầy khí thế tiến công:

“Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây

Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi

Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ!

Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù

Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô!”

Cùng với “Tiến về Sài Gòn” một loạt bài hát của các nhạc sĩ ra đời để động viên cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước, được Đài TNVN thu thanh và phát sóng. Âm thanh tráng ca hào hùng quyện hòa trong không khí nổi dậy tiến công như vũ bão. Ví như nhạc sĩ Trọng Bằng có “Bão nổi lên rồi”:

"Bão nổi lên rồi từ miền Nam quê hương thân yêu

Từ Trị Thiên băng qua Tây Nguyên lan tới bưng biền triệu người bừng bừng

Cùng Đà Nẵng với Huế chiến thắng khí thế sôi sục tràn về Sài Gòn

Giờ tiến công sục sôi tim muôn người".

rao ruc nhung giai dieu xuan mau than 1968
Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Ở một phía khác, nhạc sĩ Hoàng Vân lại cất cao lời ngợi ca sự kiện này, bằng giọng nữ cao Bích Liên. Bài hát “Chào anh giải phóng quân, Chào mùa xuân giải phóng ” là một thành công đáng kể trong sự nghiệp ca hát của “con chim sơn ca” thời chiến tranh. Bút pháp điêu luyện của người nhạc sĩ tài năng đã tạo ra một âm hình chủ đạo với một biến phách đột ngột:

“Trông lên Trường Sơn - Kìa gió đã nổi –

Trông ra biển Đông - Kìa sóng đang gầm...”

Một giai điệu đẹp quyện lấy lời ca như đang kể chuyện cứ tuôn trào, chinh phục. Đến lúc “Con chim sơn ca trên đồng - Khi xuân sang tung tăng bay lượn - cất tiếng hót vang...” thì dường như nhạc sĩ dành những giai điệu này cho riêng Bích Liên. Bích Liên hát, rồi cả nước hát: "Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng".

Sài Gòn - điểm nóng bỏng của sự kiện Mậu Thân 68 - nơi nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi ngã xuống cùng những người lính giải phóng quả cảm cũng là nơi vang lên bao giai điệu hào hùng. Nếu ở hậu phương miền Bắc, “Bài ca xuống đường đấu tranh” của An Chung thì ngay tại mặt trận khói lửa vẫn trầm vang hành khúc “Tiến về Sài Gòn” của Lưu Hữa Phước. Các cô gái Sài Gòn cùng các cô gái Huế, Đà Nẵng đã đi vào giai điệu những bài ca đẹp đến lộng lẫy một khí phách cách mạng. “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” là một khắc họa độc đáo của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Khi nhạc sĩ cho các cô gái tâm sự với quả pháo thì nét độc đáo thật dễ thương và rất riêng biệt:

“Quả pháo ơi đi đường xa có mỏi –

Suốt cả ngày đã đói hay chưa?...”.

Còn Phan Chí Thanh thì thật phóng khoáng trong miêu tả các cô nữ tự vệ Sài Gòn:

“Tuổi em vừa đôi mươi mười tám –

Em cài mái tóc gọn gàng –

Đi từng bước vững vàng –

Trẻ trung đôi mắt em mở to trong vắt –

Hàng me xanh thắm...”.

Biết bao nhiêu giai điệu đã chắp cánh bay xa trong mùa xuân ấy của các nhạc sĩ mà tên tuổi họ đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam như Huy Du, Huy Thục, Phạm Minh Tuấn, Xuân Hồng... Ngoài ra còn hàng trăm bài ca soạn lời mới cho các làn điệu Chèo, Tuồng, Cải lương, Ca Huế và dân ca mọi miền đất nước.

Nếu anh là một người lính vào chiến trường sau Mậu thân 68, bất cứ ở góc rừng nào của Trường Sơn, ở một trảng, một vàm nào của vùng ven, đều được nghe kể về những con người của mùa xuân ấy. Có khi được bâng khuâng ngả mũ trước những nấm mộ có tên và không tên của những người cùng ngã xuống vào một ngày chiến đấu. Những giây phút xót xa đó, chính những giai điệu bão táp của mùa xuân này đã thắp lên ngọn lửa khát vọng trong anh, giục anh vượt qua gian khổ mà bước tiếp.

Hòa cùng khí thế nổi dậy tấn công, đội ngũ phóng viên, biên tập nghệ sĩ và kỹ thuật âm thanh của Đài TNVN cũng thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Các tiết mục văn nghệ cứ nối tiếp nhau thu thanh liên tục, không kể giờ giấc. Một không khí thi đua thầm lặng nhưng không kém phần sôi động cứ liên tiếp diễn ra trong lời thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tiến lên toàn thắng ắt về ta.” Cùng với lời thơ đầu xuân của nhà thơ Tố Hữu trong “Bài ca xuân 68”: “Anh chị em ơi/ Hãy giương súng lên cao, chào xuân 68/ Xuân Việt nam/ Xuân của lòng dũng cảm…”

Tết Mậu Tuất này ngồi nghe những ca khúc thuở ấy, chúng tôi như được ôn lại những hình ảnh rạo rực của Xuân Mậu Thân 1968. Hình ảnh ấy ở Đài TNVN, ở Thủ đô Hà Nội đã tròn 50 năm mà cứ ngỡ như mới hôm qua…