Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Y tế chiều 9/4, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin cơ quan này đang tiến hành rà soát lại giá của ít nhất 40 dịch vụ y tế.

ra soat tinh lai gia 40 dich vu y te trong thang 5

40 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giá tăng hoặc giảm, giữ nguyên trong tháng 5 tới. Ảnh minh họa: Cấp cứu bệnh nhân TNGT tại BV Việt Đức. Ảnh: H.Hải

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) giải thích, hiện đang tiến hành khảo sát lại định mức về kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ này và tính lại giá tại thời điểm hiện nay.

“Giá 40 dịch vụ y tế sẽ được tính theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương vào thời điểm hiện nay. Theo đó, cái nào tăng sẽ tăng, cái nào giữ nguyên vẫn giữ nguyên và sẽ có những dịch vụ giá giảm xuống”, ông Nam Liên cho biết.

Hiện nay, cơ quan này chưa đánh giá được dịch vụ nào tăng hay giảm vì còn chờ kết quả khảo sát, tính toán kỹ. Tuy nhiên trong tháng 5, thông tư về điều chỉnh giá 40 dịch vụ y tế này sẽ được ban hành. Các dịch vụ được tập trung rà soát giá gồm: giá khám bệnh, giường bệnh; chiếu chụp Xquang; chụp cộng hưởng từ CT scanner…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, lộ trình đến năm 2020 Bộ Y tế sẽ tiến tới sắp xếp lại 18.000 dịch vụ thành 2.000- 3.000 dịch vụ, nhóm dịch vụ để xây dựng giá.

Ví dụ chụp X quang cẳng tay, cẳng chân… chỉ gom lại một dịch vụ chụp chi thể.

Theo lộ trình Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất điều chỉnh, sửa đổi thông tư 37 về viện phí, giai đoạn 1: đến 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37.

Các bên sẽ thực hiện khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi TMH, YHCT, xét nghiệm.

Giai đoạn 2: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tính ngày điều trị nội trú theo hướng: các trường hợp nặng phải chuyển tuyến hoặc chuyển tuyến dưới, chuyển sang cơ sở khác; số ngày điều trị... cơ cấu điều chỉnh giá sẽ tính chi phí trực tiếp, tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao, ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 - tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra, các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng.