quyet liet hon nua trong viec khong che dich ta lon chau phi lay lan
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên

Mặc dù, đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên do đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bên cạnh đó do thời tiết có những diễn biến bất thường, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt; việc buôn bán, vận chuyển giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra.Hiện nay, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tính đến hết ngày 12/5, dịch đã lây lan trên 2.200 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành với tổng số lợn bệnh, nghi mắc bệnh phải tiêu hủy là trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước).

Từ đó khiến tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, khó kiểm soát. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đó là: Công tác chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh; việc tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa triệt để; việc vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác phòng dịch; việc quản lý vận chuyển, quản lý giết mổ và tiêu thụ thịt lợn còn gặp khó khăn.

Đối với Thái Nguyên, tính đến ngày 12/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 64 hộ, 64 xóm, 44 xã thuộc 9 huyện, thành, thị trong tỉnh với số lượng lợn tiêu hủy trên 7.700 con. Chi cục Chăn nuôi Thú y đã cấp 24.300 lít hóa chất, các địa phương cũng đã chủ động mua hóa chất, vôi bột để dập dịch. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì 39 chốt kiểm dịch động vật tạm thời và 9 đội kiểm tra liên ngành để quản lý việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, ứng phó trong việc ứng phó với dịch bệnh tả lợn nguy hiểm các bộ, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng, chưa được kiểm soát hiệu quả, khả năng lây lan cao và có thể tái phát dịch bệnh. Vì vậy Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ nông nghiệp nông thôn là cơ quan thường trực tham mưu cho Thủ tướng Chính Phủ ban hành Chỉ thị, Nghị quyết về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi sát với tình hình thực tế.

Ban Chỉ đạo thường xuyên cử đoàn thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Lãnh đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt huy động các lực lượng của địa phương để chủ động giám sát, tiêu hủy sớm dịch bệnh, xử lý nghiêm tình trạng tình vứt xác lợn ra môi trường gây lây lan. Tiếp tục duy trì củng cố cao năng lực của hệ thống thú y các cấp, lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch.

Chỉ đạo hỗ trợ cụ thể cho người dân, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động bố trí kinh phí dịch; hướng dẫn người dân và doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chăn nuôi để thay thế sản phẩm thịt lợn thiệt hại do dịch bệnh.