Bài 1: Chủ động ngăn chặn vi phạm kỷ luật, pháp luật từ sớm, từ xa

Quản lý tư tưởng (QLTT) bộ đội là một nghệ thuật. Bởi tư tưởng tồn tại ở bên trong, nằm sâu trong suy nghĩ của con người, rất khó đoán định. Khi tư tưởng bộc lộ thành biểu hiện ra bên ngoài thì thường kéo theo hành động nào đó, có thể là tích cực, cũng có khi là tiêu cực. Do đó, để nắm chắc và quản lý tốt tư tưởng của bộ đội, người cán bộ, chỉ huy ở đơn vị cơ sở phải thực sự gần gũi, sâu sát, vừa phải gương mẫu, có tâm có tầm để có thể “nghe” được "hơi thở" của bộ đội.

Công tác tư tưởng đi trước một bước

Những năm qua, công tác QLTT trong quân đội luôn được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả; nội dung, hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, về cơ bản đã bảo đảm công tác tư tưởng đi trước một bước. Tuy nhiên, phải thấy rằng, công tác QLTT và tình hình vi phạm kỷ luật của bộ đội ở cơ sở hết sức đa dạng, phong phú, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Chỉ cần cấp ủy, người chỉ huy lơ là, sao nhãng là đơn vị có thể xảy ra vụ việc. Quá trình thâm nhập nhiều cơ quan, đơn vị, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ các vùng miền, chúng tôi ghi nhận không ít cách làm sáng tạo của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong nắm bắt, QLTT bộ đội.

quyet liet cac bien phap tao chuyen bien vung chac trong chap hanh ky luat
Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phòng không 297 (Quân khu 2) - Ảnh: HỒNG SÁNG.

Đơn vị đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là Lữ đoàn Thông tin 80 (Quân khu 4). Có nhiều ca trạm đóng quân phân tán, nhỏ lẻ, xa sự lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị, đòi hỏi yêu cầu cao hơn về công tác bám nắm, QLTT. Để giải quyết bài toán này, theo Đại tá Nguyễn Trọng Dương, Chính ủy Lữ đoàn 80, trước tiên, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn lựa chọn số cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, gương mẫu trong công tác, giao phụ trách các ca trạm lẻ ở những địa bàn khó khăn, phức tạp. Qua sinh hoạt dân chủ, đơn vị cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, kịp thời giải quyết các vấn đề tư tưởng nảy sinh, không để tồn đọng. Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn cũng bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhân viên ở những ca trạm có thể hợp lý hóa gia đình, giúp số cán bộ, nhân viên này vừa có thêm thời gian giúp đỡ vợ con, lại vừa yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tương tự ở Sư đoàn 316

"Cán bộ nào phong trào ấy"

Muốn tạo chuyển biến thì trước tiên phải từ cán bộ, nhất là người đứng đầu. "Tướng sao quân vậy", "Cán bộ nào phong trào ấy"... cấp dưới, chiến sĩ luôn nhìn vào cấp trên, nhìn vào cán bộ để hành động... Các cán bộ, sĩ quan mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều thống nhất như vậy. Đối với Đồn Biên phòng Bản Lầu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, xuất phát từ đặc điểm đa phần cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, nên yêu cầu của Đảng ủy, chỉ huy đồn là cán bộ các cấp phải nắm chắc phong tục, tập quán, đặc điểm dân tộc của từng cán bộ, chiến sĩ để có cách ứng xử và giao nhiệm vụ phù hợp. Thượng tá Nguyễn Văn Thiệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Lầu chia sẻ: "Vị trí đóng quân của đồn biên phòng chủ yếu ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, thường trực đối mặt với hiểm nguy. Do đó, việc xây dựng trong cán bộ, chiến sĩ mối quan hệ gần gũi, đoàn kết, yêu thương, chia ngọt sẻ bùi là vô cùng quan trọng. Trước hết lãnh đạo, chỉ huy đồn phải làm gương, nội bộ cấp ủy, chỉ huy phải luôn giữ vững sự đoàn kết. Đây cũng là chủ trương xuyên suốt của Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Bản Lầu nhiều năm qua. Vì vậy, quá trình công tác, cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; có sự khen-phê công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc, theo dõi chặt chẽ thái độ, trách nhiệm cũng như chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội trước và sau khen thưởng, phê bình...".

Tìm hiểu thực tế tại Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), chúng tôi được biết, cùng với những cách làm hiệu quả nêu trên, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, quản lý, duy trì kỷ luật, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đặc biệt coi trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tiểu, khẩu đội trưởng, những người sát gần nhất với chiến sĩ. Cùng với đó, đơn vị duy trì thành nền nếp chế độ đối thoại dân chủ công khai, tạo không khí cởi mở, gần gũi giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các quân nhân với nhau; tiếp thu, giải quyết thấu đáo những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội. Trung tá Đoàn Hữu Loát, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 chia sẻ: "Để nâng cao một bước công tác QLTT bộ đội, trung đoàn duy trì chặt chẽ thông tin hai chiều. Theo đó, khi cán bộ, chiến sĩ về nghỉ phép, nghỉ tranh thủ đều mang theo thư của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, hỏi thăm sức khỏe của gia đình, đồng thời thông báo kết quả phấn đấu, rèn luyện của con em họ. Trong thư, chỉ huy đơn vị cũng đề nghị các gia đình quản lý người thân của mình trong thời gian nghỉ phép. Vào những thời điểm đơn vị triển khai nhiều nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ phải bám nắm đơn vị, không có điều kiện nghỉ phép, chỉ huy đơn vị trực tiếp gọi điện thông tin cho gia đình các quân nhân nắm được để chia sẻ với đơn vị và động viên chồng, con, em mình yên tâm công tác".

Hay như ở Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn lại chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ khung huấn luyện, nhất là cán bộ tiểu đội, trung đội trong bám nắm tư tưởng chiến sĩ mới (CSM), tránh việc khoán trắng cho cán bộ chính trị. Cụ thể, ngay từ ngày đầu tiếp nhận, cùng với việc lấy lý lịch trích ngang, đội ngũ cán bộ khung ở đơn vị trực tiếp đối thoại với CSM, đặt những câu hỏi bên lề, gợi mở để CSM chia sẻ nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình, tính cách, tâm tư, nguyện vọng... Ngoài ra, mỗi cán bộ khung từ tiểu đội đến đại đội đều có sổ tay cá nhân để đăng ký, ghi chép lại đặc điểm, hoàn cảnh riêng từng CSM, để tiện theo dõi và xử lý kịp thời các biểu hiện tư tưởng nảy sinh.

Thời gian gần đây, ở một số cơ quan, đơn vị xảy ra không ít vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, gây ảnh hưởng xấu đến bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Theo lãnh đạo, chỉ huy nhiều đơn vị, nguyên nhân là do cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng và vai trò nêu gương của cán bộ, nên chưa có sự quan tâm đúng mức đến công việc này. Mặt khác, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng của các đơn vị còn hạn chế, tính định hướng chính trị, tính chiến đấu và sức thuyết phục trong giáo dục chưa cao. Việc đổi mới hình thức, phương pháp công tác tư tưởng chưa thật mạnh mẽ, chưa bám sát diễn biến tư tưởng bộ đội.

Để nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần nắm vững và thực hiện tốt nội dung, quy trình, các bước của công tác quản lý tư tưởng; duy trì có nền nếp việc nắm tình hình tư tưởng bộ đội thông qua chế độ báo cáo, giao ban, phản ánh qua từng cấp; kết hợp chặt chẽ giữa QLTT với quản lý bộ đội, thực hiện "xây" đi đôi "chống”, lấy "xây" là chính. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy đối với công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội cần được đẩy mạnh. Hằng tháng, cấp ủy, tổ chức đảng cần đưa nội dung lãnh đạo công tác tư tưởng vào nghị quyết, đề ra được chủ trương, giải pháp hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu của công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội. Công tác tư tưởng ở đơn vị cơ sở luôn đòi hỏi người cán bộ, chỉ huy phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, tiến hành thường xuyên, chủ động, kịp thời ở tất cả các khâu, các bước; không chủ quan, áp đặt, vận dụng linh hoạt nguyên tắc nhằm xây dựng nên tập thể đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. (còn nữa)./.