Ngay trong những ngày đầu năm 2019, BHYT đã chi trả cho cháu Phan Anh Tuấn 17 tuổi (sinh năm 2002) hiện đang học lớp 11 bị bỏng nặng toàn thân.

Do gia đình khó khăn, mẹ cháu là chị Trần Thị Hợi (37 tuổi) thường trú tại xóm 10 xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh phải đi làm ở Khánh Hòa. Con trai anh chị ở nhà với ông bà ngoại.

Vào ngày 07/01/2019, cháu Tuấn bị tai nạn do nổ bình ga khi nấu ăn khiến bỏng toàn thân và được điều trị ở phòng 206 Khoa Hồi sức cấp cứu của Viện Bỏng Quốc gia tại Hà Đông, Hà Nội. Theo các bác sĩ, tình trạng của cháu rất nặng và chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng. Nhưng cháu Tuấn lại không có thẻ BHYT.

BHXH Việt Nam đã kết nối với gia đình chị Hợi để có thêm thông tin, chỉ đạo BHXH tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sự việc. Qua tìm hiểu, được biết, năm 2018, gia đình chị Hợi thuộc hộ cận nghèo, cháu Tuấn được cấp thẻ BHYT của đối tượng cận nghèo, mã số CN3424221380675, có giá trị sử dụng từ ngày 09/5/2018. Do năm 2019 gia đình chị không còn trong danh sách hộ cận nghèo nên không thuộc đối tượng cấp thẻ BHYT cận nghèo. Gia đình lại không nắm được thủ tục để tham gia BHYT tiếp cho cháu nên thẻ BHYT cũ không sử dụng được. BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện các thủ tục gia hạn thẻ cho cháu Tuấn trên hệ thống ngay trong tối 10/1.

quyen loi nguoi tham gia bhyt duoc bao dam nhu the nao
Cháu Tuấn điều trị trong bệnh viện với tình trạng bỏng nặng toàn thân.

Sáng 11/1/2019, BHXH tỉnh đã trao thẻ BHYT của cháu Tuấn cho gia đình chị Hợi để thực hiện các thủ tục cho cháu được hưởng quyền lợi BHYT tại Bệnh viện. Đồng thời BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng gửi tới gia đình 01 suất quà, chia sẻ những khó khăn của gia đình trong điều trị cho cháu Tuấn.

Chị Hợi nghẹn ngào xúc động trước sự tận tâm, trách nhiệm của cán bộ BHXH tỉnh Hà Tĩnh. Dù sự việc xảy ra là do sơ suất từ phía gia đình, chưa quan tâm đầy đủ đến việc gia hạn thẻ BHYT để được bảo đảm quyền lợi nhưng khi có thông tin, phía cơ quan BHXH tỉnh đã rất chủ động gia hạn thẻ BHYT cho cháu Tuấn. Chị Hợi cũng mong các gia đình cần quan tâm đến việc tham gia BHYT, tìm hiểu về thủ tục tham gia và gia hạn thẻ đúng quy định để được hưởng quyền lợi khi rủi ro, tránh gặp phải tình huống như gia đình chị.

Câu chuyện của gia đình chị Hợi chỉ là một trong vô số các trường hợp nhận được sự chia sẻ từ quỹ BHYT. Và với mô hình bệnh tật như hiện nay, nhiều người đã biết quan tâm hơn đến việc tham gia BHYT.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, làm nội trợ, hiện đang sống tại Thanh Xuân, Hà Nội, dù không có thu nhập thường xuyên nhưng bà vẫn dành dụm để mua BHYT tự nguyện. Bà cho biết, đã tham gia BHYT tự nguyện 10 năm nay, dù không thường xuyên sử dụng nhưng có thẻ BHYT bà thấy yên tâm, tự tin khi vào bệnh viện.

Là bệnh nhân chạy thận thường xuyên tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Vũ Duy Hiền, ở Sơn La cho biết, chỉ vài năm trước những bệnh nhân bị thận như ông chạy thận đến khi nào hết tiền thì chết, bởi không được BHYT chi trả. Nay, ông Hiền và các bệnh nhân chạy thận khác được BHYT chi trả nên đã giảm gánh nặng kinh tế rất nhiều. “Nếu không có BHYT thì chắc chắn tôi không có ngày hôm nay” – ông Hiền nói.

quyen loi nguoi tham gia bhyt duoc bao dam nhu the nao

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, riêng năm 2018, trên 177 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cũng có những thay đổi với Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp. Bên cạnh việc điều chỉnh về giá, Thông tư số 39 là một bước cụ thể hóa mạnh mẽ hơn lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế khi cơ cấu cả tiền lương, ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp. Cùng với đó, BHXH Việt Nam và 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung giúp cho công tác quản lý và sử dụng thuốc KCB được an toàn, hợp lý, bảo vệ quyền lợi người bệnh BHYT.

“Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật” – ông Đào Việt Ánh khẳng định./.