Mới đây, làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM về kết quả thực hiện giai đoạn nâng chất các tiêu chí trong xây dựng NTM (giai đoạn 2) trên địa bàn, ông Bùi Hòa An - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè phản ánh, huyện vẫn còn 5.000ha đất (chiếm 50% diện tích đất tự nhiên) là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch nên có đến 50% đất nông nghiệp của huyện bỏ hoang, người dân làm ăn thủ công, không trồng trọt chăn nuôi ổn định, lâu dài, không tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế căn cơ.

Nông nghiệp đô thị còn xa

quy hoach treo lam kho ca chinh quyen va nguoi dan

HTX Hiệp Thành đang triển khai nuôi tôm công nghệ cao, nhưng do đất nằm trong khu quy hoạch Khu đô thị cảng Hiệp Phước nên giờ phải lo chạy đất nơi khác để tái bố trí HTX. Ảnh: T.T

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Bùi Hòa An, đang có mâu thuẫn giữa sự phát triển, đô thị hóa và đời sống người dân. Huyện Nhà Bè đề nghị thành phố cần có chính sách cho người dân NTM ở vùng quy hoạch được hưởng điều kiện sống tốt hơn.

Hơn chục năm trước, UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch xã Hiệp Phước thành Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Theo đó, Khu đô thị cảng này có tổng diện tích hơn 3.900ha, gồm toàn bộ diện tích xã Hiệp Phước và một phần xã Long Thới. Nơi đây tập trung 4 cảng lớn của Việt Nam nằm dọc theo sông Soài Rạp, gồm: Cảng container quốc tế SPTC, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An, biến khu vực này trở thành trung tâm cảng biển của thành phố và cả nước.

“Do xã bị quy hoạch như vậy nên từ năm 2006 đến nay, người dân bị hạn chế rất nhiều về điều kiện sinh sống, không yên ổn làm ăn” - ông An chia sẻ.

UBND huyện Nhà Bè đánh giá, hiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, lượng hàng hóa sản xuất còn nhỏ, không tập trung và chưa đạt chuẩn VietGAP nên huyện gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Mấy năm nay, Sở NNPTNT TP.HCM nỗ lực xây dựng HTX Nông nghiệp Hiệp Thành đóng trên địa bàn huyện Nhà Bè thành một HTX điển hình của thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, do diện tích canh tác tôm sạch nằm trong vùng quy hoạch Khu đô thị cảng Hiệp Phước nên HTX này đang bị động nguồn vốn, nguồn đất…

Ông Trần Văn Mùa – Chủ tịch HĐQT HTX Hiệp Thành cho biết, để tìm một lối thoát cho HTX, Hội đồng quản trị HTX đã có thư gửi nhà đầu tư khu công nghiệp đề nghị hỗ trợ trước tiền đền bù đất để HTX lo đi thuê hoặc mua lại đất tiếp tục nuôi tôm, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có trả lời từ phía nhà đầu tư.

UBND huyện Nhà Bè nhận định, sau nhiều năm nghiên cứu cùng các chuyên gia của thành phố và sự giúp đỡ từ các sở, ban ngành để nghiên cứu mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, nhưng vẫn chưa thành công.

Cần chính sách cho người dân ở vùng quy hoạch

Vì vướng quy hoạch nên đường sá, cầu cống trên địa bàn xã Hiệp Phước không được đầu tư mở rộng, đang xuống cấp trầm trọng. Những com hẻm 2m chỉ được sửa sang, không được đầu tư mở rộng thành hẻm 6m có hạ tầng đầy đủ như các nơi khác. Điều này dẫn tới việc đi lại của người dân còn khó khăn chứ chưa nói đến việc vận chuyển, phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Hiện tại ấp 2 (Hiệp Phước) - nơi triển khai dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước, quang cảnh khá hoang sơ vắng lặng. Khu dân cư thưa bóng người, đường sá cũng xuống cấp, hư hỏng dần. Nhiều gia đình vì nhường đất cho dự án đã dọn nhà đi nơi khác, chỉ còn vài nhà bám trụ lại.

Theo UBND xã Hiệp Phước, từ năm 2006 xã đã di dời dân để thực hiện dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Hơn 10 năm trôi qua, đến thời điểm này vẫn còn 21 hộ dân chưa được chủ đầu tư dự án bố trí tái định cư. Vì trong khu vực quy hoạch nên dù cơ sở hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được đầu tư.

Anh Hồ Văn Thao – một người dân còn bám trụ ở đây cho biết, gia đình có 4 người, vẫn phải ở lại vì không biết đi đâu. Trước đây, anh xây dựng nhà ở trong khu đất của gia đình nằm trong khu quy hoạch nên chính quyền không làm thủ tục tách hộ nên không được bố trí tái định cư riêng. “Đường sá, cầu cống ở đây do nhằm trong khu quy hoạch nên không được đầu tư mặc dù đã tan nát hết rồi” - anh Thao thổ lộ.