Dư luận đồng tình, đánh giá cao

Ngay sau khi Quy định số 98 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhiều người kỳ vọng, với các tiêu chí cụ thể, quy trình 5 bước rõ ràng, chặt chẽ về những cán bộ thuộc diện luân chuyển sẽ góp phần ngăn chặn được tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển diễn ra không ít nơi.

quy dinh cua bo chinh tri se ngan chan chay chuc chay luan chuyen

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên đại biểu Quốc hội. (Ảnh: VTC News)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên đại biểu Quốc hội cho biết, thực tế nhiều năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định về công tác cán bộ, nhiều cán bộ thực sự trưởng thành từ thực tiễn, ghi dấu nhiều thành tích tại các địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng không ít trường hợp gây bức xúc trong dư luận, nhất là đối với những cán bộ bị kỷ luật hay những người được luân chuyển quá ít thời gian sau đó đã được đến nơi khác làm lãnh đạo, cá biệt trường hợp luân chuyển mà cán bộ trước đó có những sai phạm.

Điển hình như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, mặc dù với nhiều sai phạm ở PVC nhưng sau đó được luân chuyển về Bộ Công thương. Mặc dù không không nằm trong diện quy hoạch luân chuyển, không nằm trong danh sách luân chuyển, điều động cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhưng sau đó Trịnh Xuân Thanh lại được luân chuyển về Hậu Giang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, gây bức xúc trong dư luận.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, cán bộ bị kỷ luật ở đâu thì phải để tổ chức ở nơi đó giáo dục, rèn luyện, kiểm tra, giám sát xem có thực sự chuyển biến hay không thì mới được cân nhắc luân chuyển đến nơi khác. Cán bộ vừa bị kỷ luật thời gian ngắn, chưa có sự rèn luyện, phấn đấu, tổ chức chưa thấy có sự tiến bộ mà đã được luân chuyển, đề bạt, cất nhắc là không hợp lý.

“Nhiều trường hợp kỷ luật chỗ này nhưng lại chạy qua chỗ khác, thậm chí lên chức cao hơn so với vị trí trước kia họ mắc khuyết điểm khiến dư luận rất bức xúc. Mục đích luân chuyển là để bồi dưỡng cán bộ, để cán bộ đó được cọ xát thực tế, được rèn luyện, nâng cao trình độ, nhất là trách nhiệm về quản lý, lãnh đạo, từ đó giao cho họ nhiệm vụ cao hơn, nặng nề hơn. Cho nên quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lần này với những tiêu chí, quy trình cụ thể như vậy là hoàn toàn đúng đắn” – ông Nguyễn Quốc Thước nói.

Nguyên đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể và có lộ trình từng bước thực hiện; có cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời có quy định quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển.

Việc xem xét, bố trí cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và nhận xét, đánh giá cán bộ.

Theo quy định, chức danh bố trí luân chuyển áp dụng đối với cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng; đối với cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm).

Ngăn chặn tình trạng chưa ấm chỗ này đã rút đi nơi khác

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trước đây có trường về địa phương được 6-7 tháng, cốt lấy cái mác đi thực tế cơ sở để được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn. Việc luân chuyển theo hình thức chưa ấm chỗ này đã rút đi nơi khác làm mất ổn định trong tổ chức, xáo trộn trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển của địa phương và cũng làm cho mục đích ý nghĩa của luân chuyển không đạt như mong muốn.

Việc quy định cứng thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm vừa để cán bộ có thời gian thể hiện bản lĩnh, năng lực quản lý lãnh đạo, vừa để tổ chức và tập thể đánh giá, nhìn nhận quá trình phấn đấu của cán bộ nguồn đó có tốt hay không để tiếp tục nhận nhiệm vụ mới.

“Quan trọng nhất là việc chọn người để đi luân chuyển, mục đích để đào tạo, thử thách xem cán bộ đó làm việc có tốt không. Nhưng cũng có người làm được 2 năm nhưng hiệu quả đã thấy rõ thì việc có rút người đó về trước thời hạn hay không còn phụ thuộc vào yêu cầu, sự đánh giá của Bộ Chính trị, của cấp trên để sử dụng cán bộ hiệu quả hơn” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

quy dinh cua bo chinh tri se ngan chan chay chuc chay luan chuyen

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an).

Với Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), quy định của Bộ Chính trị cho ông niềm tin sẽ hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển hoặc lợi dụng luân chuyển để đưa cán bộ không cùng ekip với mình đi nơi khác.

Theo ông, mọi quy định dù chặt chẽ đến mấy nhưng sẽ không thể thực hiện được tốt nếu không có những con người thực tâm, được kiểm tra, giám sát lẫn nhau và quan trọng là dân chủ, công khai, minh bạch một cách thực chất.

Từ những vụ việc liên quan đến một số cán bộ thời gian qua cũng cho thấy có nguyên nhân xuất phát từ kiểm soát quyền lực chưa được tốt. Bởi giao quyền lực cho một cá nhân mà không có mức độ giám sát ngang bằng quyền lực được giao thì sẽ tha hóa, đó là quy luật.

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược cũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các quy định, cơ chế làm sao để những cán bộ có trách nhiệm không muốn, không dám và không thể thực hiện các hành vi tha hóa quyền lực, lộng quyền, lạm quyền, cửa quyền.../.