Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
(Ảnh: Mạnh Hùng)


Trong buổi làm việc chiều nay, đã có 24 đại biểu Quốc hội của 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Quyền của người sử dụng đất; Thời hạn giao đất, cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Công chứng, chứng thực hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất; Giá đất, cơ quan định giá đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý tại phiên thảo luận là những quy định trong việc thu hồi đất. Theo các đại biểu, Ban soạn thảo cần quy định rõ các cơ quan chức năng phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất này. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của người ra quyết định thu hồi đất và phương án cưỡng chế thu hồi đất. Đại biểu Phạm Trường Dân, (đoàn Quảng Nam) cho rằng: Về trách nhiệm của người ra quyết định cưỡng chế, người phê duyệt phương án cưỡng chế nếu để xảy ra quá trình phức tạp trong quá trình cưỡng chế dẫn đến nhiều người khiếu kiện thì bị xử lý như thế nào đề nghị trong luật cũng phải quy định cụ thể, đồng thời cũng quy định Viện Kiểm sát nhân dân các cấp cử kiểm sát viên theo dõi, giám sát đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường
(Ảnh Mạnh Hùng)


Một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với quy định về thu hồi, trưng dụng đất, trong đó có điều kiện thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội với mục đích kinh doanh lợi nhuận. Do đó, các đại biểu đề nghị: Khi nhà nước thu hồi đất của người dân phải sát với giá của thị trường, đồng thời tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai để người dân có đất bị thu hồi có đủ điều kiện ổn định lại cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên ghi rõ là Nhà nước thay đổi quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức trong trường hợp cần thiết vì lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân, và khi tiến hành việc thu hồi đất cần bổ sung quy định Mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể tham gia việc giám sát để tạo sự sự đồng thuận cao hơn. Theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt thì ngay trong phần giải thích từ ngữ ở khoản 10 Điều 3 không thể đồng quyền thu hồi quyền sử dụng đất với thu hồi đất hai cụm từ này ý nghĩa khác nhau hoàn toàn.

Các đại biểu Lê Trọng Sang, (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Thị Tám, (đoàn Nghệ An), Phạm Xuân Thường, (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh: Để các dự án thu hồi thực hiện có hiệu quả và hạn chế việc khiếu kiện của người dân về giá đền bù, vấn đề quan trọng là phải xây dựng cơ chế chính sách giá đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiên quyết rút giấy phép và thu hồi đất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi được giao đất vì nhiều lý do đã chậm hoặc không triển khai thực hiện dự án, bỏ đất trống kéo dài, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân, nhất là những người dân nơi bị thu hồi đất. Đại biểu Lê Trọng Sang đồng ý việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhưng cần điều chỉnh theo hướng thu hẹp đối tượng tại điểm e, g khoản 1 Điều 62 bằng cách quy định rõ trong luật hoặc giao Chính phủ quy định dựa trên quy mô dân số bị ảnh hưởng nhà ở quy mô chiếm đất và tổng mức đầu tư của Dự án, nhằm hạn chế tối đa sự lạm dụng trong quá trình thu hồi đất và hạn chế tối đa việc khiếu kiện trong nhân dân.

Liên quan đến vấn đề quyền của người dân trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên đất của họ đang sử dụng, một số đại biểu đề nghị Dự thảo Luật lần này cần bổ sung quy định việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân trong Dự án thuộc diện bị thu hồi và tỷ lệ người dân đồng tình với kế hoạch sử dụng đất là điều kiện bắt buộc trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung để hoàn thiện thêm, nhất là vấn đề về trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu, quản lý thống nhất về đất đai; vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Quy định về giá đất, cơ chế, chính sách, phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, thẩm quyền quyết định giá đất, cơ quan định giá đất độc lập./.

Theo báo điện tử ĐCSVN