Chiều 16/4, Quốc hội Pháp đã bắt đầu tuần thảo luận các nội dung trong Dự luật Collomb. Dự luật về tị nạn và nhập cư mang tên của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérard Collomb.

Theo đề xuất của chính phủ Pháp, Dự luật tị nạn và nhập cư sẽ điều chỉnh nhiều vấn đề, trong đó sẽ giảm thời gian xử lý các yêu cầu tị nạn từ 11 tháng hiện nay xuống còn 6 tháng (kèm theo đó là giảm thời gian tiến hành các thủ tục hành chính).

quoc hoi phap bat dong xung quanh du luat collomb
Người tị nạn dựng lều tạm tại một ga tàu điện ngầm ở Paris, Pháp.
(Ảnh minh họa: Reuters)

Dự luật còn cải thiện các điều kiện tiếp nhận và bảo vệ đối với những người được cấp quy chế tị nạn (những người không quốc tịch và người được hưởng quyền bảo vệ bổ sung sẽ được cấp thẻ cư trú có thời hạn 4 năm thay vì 1 năm).

Đồng thời, Dự luật cũng tạo điều kiện đoàn tụ gia đình đối với trường hợp trẻ em được cấp quy chế tị nạn (trước đây là đoàn tụ với cha mẹ, sắp tới sẽ được đoàn tụ cùng anh chị em ruột)…

Mặc dù nhận được sự ủng hộ của phe chiếm đa số trong Quốc hội, nhưng Dự luật Collomb cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ các đảng đối lập. Đặc biệt, một số Nghị sỹ thuộc đảng “Nền Cộng hòa tiến bước” (LREM) cũng lên tiếng phản đối Dự luật này.

Theo những người phản đối, Dự luật của chính phủ sẽ phá hỏng hệ thống tiếp nhận người di cư, thậm chí ngăn cản một số trường hợp được hưởng quyền lợi hợp pháp, một số điều khoản nếu được thông qua sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, Dự luật đề xuất cho phép người tị nạn được làm việc sau 6 tháng nộp hồ sơ, thay vì 9 tháng như hiện nay, đã gặp phải phản đối gay gắt từ các đảng cánh hữu.

Ông Guillaume Larrivé, Nghị sỹ đảng “Những người Cộng hòa” (LR) cho rằng, việc mở cửa thị trường lao động đối với những người xin tị nạn sau 6 tháng nộp hồ sơ sẽ phát sinh nhiều điểm cần điều chỉnh, liên quan tới quyền tị nạn và cũng sẽ làm tăng số trường hợp bị từ chối tị nạn.

Trong một cuộc họp báo tại Quốc hội, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (FN), bà Marine Le Pen còn đưa ra hàng loạt các đề nghị trái ngược với Dự luật của chính phủ, như việc chấm dứt điều khoản về đoàn tụ gia đình, ngừng hộ trợ y tế của nhà nước hay xóa bỏ quyền được cấp quốc tịch đối với người tị nạn.

Trước đó, vào đầu tháng này, Dự luật tị nạn và nhập cư của chính phủ Pháp cũng đã tạo ra những mâu thuẫn trong nội bộ đảng Nền cộng hòa Tiến bước, dự luật đã phải sửa đổi, điều chỉnh nhiều lần và các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục diễn ra.

Trong tuần này, dự luật sẽ còn phải sửa đổi, bổ sung nhiều hơn nữa do các mâu thuẫn vẫn chưa chấm dứt trong nội bộ đảng của Tổng thống Emmanuel Macron và sự phản đối quyết liệt từ các đảng đối lập./