Sau 2 ngày làm việc, chiều tối 15/3, Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm giữa kỳ Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển do Việt Nam, Australia và Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì đã kết thúc thành công tại thành phố Đà Nẵng.

Nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương, quân sự hoá ở Biển Đông, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực.

quan ngai hanh dong don phuong quan su hoa o bien dong
Toàn cảnh Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm giữa kỳ Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển.

Về tình hình an ninh biển ở khu vực, các đại biểu bày tỏ lo ngại tình hình an ninh trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó các tranh chấp chưa được giải quyết, sự gia tăng các loại tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn ma tuý, buôn người và nạn khai thác cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa…

Nhiều đại biểu quan ngại trước những diễn biến thời gian qua ở Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, quân sự hoá, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, không tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác giải quyết những thách thức chung.

Các đại biểu đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982; kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình; không quân sự hoá; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hữu hiệu, phù hợp với luật pháp quốc tế.

quan ngai hanh dong don phuong quan su hoa o bien dong
Các đại biểu dự Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm giữa kỳ Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển chụp ảnh lưu niệm tại cuộc họp

Các đại biểu đề nghị thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng các nước, xây dựng quy tắc hướng dẫn chung, cải tiến cơ chế trao đổi về biển, hoạt động tuần tra chung, xây dựng và mở rộng cơ chế chia sẻ thông tin, hỗ trợ xây dựng và nâng cao năng lực, cũng như tiến trình thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Liên quan tới vấn đề an toàn hàng hải, cuộc họp ghi nhận việc ASEAN đã thông qua quy trình hoạt động chuẩn nhằm giúp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các nước trong những chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, đề xuất của Nhật Bản, ứng dụng công nghệ trong theo dõi di chuyển của tàu bè và sáng kiến của Mỹ về bảo đảm an toàn thông tin, chống tấn công mạng nhắm vào tàu thuyền.

Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Có rất nhiều những khác biệt trong cách đánh giá, tiếp cận vấn đề trên biển, nhất là các nội dung liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên biển. Tuy nhiên, ý kiến chung đều cho rằng, các tranh chấp phải được kiểm soát và giải quyết dựa trên Luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển 1982. Các nước tỏ ra quan tâm đến tiến trình đàm phám giữa ASEAN và Trung Quốc về xây dựng qui tắc ứng xử trên biển Đông (COC)”.

Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm giữa kỳ về An ninh biển là hoạt động thứ 3 trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển (ARF) do Việt Nam tổ chức về chủ đề an ninh biển từ đầu năm tới nay. Thành công của cuộc họp lần này tiếp tục cho thấy vai trò trách nhiệm cùng sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác về các vấn đề liên quan tới hoà bình, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh biển.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam, chia sẻ và nhất trí với nhiều đánh giá, biện pháp do đoàn Việt Nam đề xuất, trong đó có việc rà soát, sắp xếp và tổ chức lại các cơ chế hợp tác biển hiện có trong khu vực nhằm nâng cao hiệu quả và tránh chồng chéo.

Kết quả và đề xuất được nhất trí tại Cuộc họp Nhóm giữa kỳ lần này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển (ARF) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5/2019 tại Thái Lan./.