Phối hợp chặt chẽ với hậu phương chiến sĩ

Chúng tôi có mặt tại Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 vào ngày nghỉ cuối tuần. Bên cạnh việc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí sôi nổi do đơn vị tổ chức, nhiều chiến sĩ mới còn vui mừng khi được đón bố mẹ, anh em ở quê lên thăm. Nhìn các chàng lính trẻ quấn quýt bên người thân, chúng tôi thấy vui lây với niềm vui của họ.

Bà Bùi Thị Thắm, quê ở xã Mường Chay, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, sau khi vượt hơn 200 cây số đến thăm con là chiến sĩ Bùi Nam Tiến, Trung đội 14, Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, cùng một số người thân của các chiến sĩ được chỉ huy trung đội dẫn đi tham quan một vòng quanh đơn vị, tâm sự: “Khi ở nhà, ruột gan tôi cứ nóng như lửa đốt, lúc nào cũng lo cho con không hiểu vào bộ đội nó sống như thế nào? Đến đây, chứng kiến con chúng tôi được chăm sóc chu đáo, từ chỗ ở, nhà ăn đến khuôn viên doanh trại đều kiên cố, sạch sẽ, không thiếu thứ gì. Chúng tôi động viên con cố gắng rèn luyện tốt...”. Bà Hoàng Thị Lê Minh ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, mẹ của chiến sĩ Hoàng Thanh Bình, Trung đội 11, Đại đội 8, cũng chia sẻ: “Điều khiến chúng yên tâm hơn cả là sự chăm sóc chu đáo, bảo ban tận tình của đội ngũ cán bộ các cấp dành cho chiến sĩ, đặc biệt là sự gần gũi, cởi mở của chỉ huy đơn vị đối với người thân của bộ đội”.

quan ly tu tuong bo doi o su doan 316 quan khu 2 nhung cach lam hieu qua
Cán bộ cùng chiến sĩ hành quân ra thao trường ở Trung đoàn 148, Sư đoàn 316.

Trung tá Phạm Văn Trường, Chính ủy Trung đoàn 148, cho biết: Trước đây, mỗi khi chiến sĩ có người nhà lên thăm, đơn vị đều quy định bộ đội đón tiếp tại khu vực riêng, ngoài doanh trại, không được phép đưa vào đơn vị. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, đơn vị đã bãi bỏ quy định này, thay vào đó, trung đoàn giao cho đội ngũ cán bộ đảm nhiệm trực chỉ huy chủ trì gặp gỡ, đón tiếp, đồng thời dẫn người nhà của chiến sĩ đi tham quan đơn vị. Qua đó, mối liên hệ giữa gia đình chiến sĩ và đơn vị trở nên gắn bó hơn, là điều kiện thuận lợi trong phối hợp quản lý, giáo dục, động viên bộ đội. Đặc biệt, việc người nhà của chiến sĩ được trực tiếp chứng kiến điều kiện ăn ở, sinh hoạt cùng thái độ gần gũi của chỉ huy các cấp, họ càng yên tâm, tin tưởng vào sự trưởng thành của con em mình khi được luyện rèn tại đơn vị.

Gần gũi nắm bắt tư tưởng của chiến sĩ

Đó là một trong những biện pháp nắm bắt tư tưởng bộ đội mang lại hiệu quả cao ở Sư đoàn 316. Đại úy Đỗ Hồng Tính, Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148, tâm sự: “Chiến sĩ mới thường có tâm lý e ngại khi tham gia phát biểu ý kiến trong sinh hoạt các cấp, nhất là những gì liên quan đến tiêu chuẩn, chế độ, tâm tư nguyện vọng, vấn đề có tính nhạy cảm… Để giải quyết bài toán này, các đơn vị thường xuyên tiến hành sinh hoạt vượt cấp. Theo đó, khi chỉ huy đại đội tiến hành sinh hoạt với chiến sĩ thì cán bộ trung đội không tham gia; chỉ huy tiểu đoàn tiến hành sinh hoạt, cán bộ đại đội cũng không được dự và khi chỉ huy trung đoàn gặp mặt riêng chiến sĩ thì cán bộ cấp dưới cũng không có mặt.

Kết quả cho thấy, tại các buổi sinh hoạt như vậy, đội ngũ hạ sĩ quan, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới đã mạnh dạn hơn khi bày tỏ tâm tư nguyện vọng với cấp trên, tâm lý bộ đội cũng như không khí của buổi sinh hoạt không còn căng thẳng, khoảng cách giữa cán bộ không trực tiếp tiếp xúc với chiến sĩ cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn… Từ đó giúp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nắm bắt được kịp thời diễn biến tư tưởng nảy sinh của bộ đội để có biện pháp giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài, giúp bộ đội luôn yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.

Theo Thượng tá Phạm Viết Khánh, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316: “Công tác tư tưởng là nghệ thuật cảm hóa con người nên cái tâm rất quan trọng; chỉ có tâm trong mới có thể thu phục, tạo sự tin tưởng, gần gũi đối với cấp dưới, từ đó phát hiện được các vấn đề tư tưởng nảy sinh để xử lý kịp thời. Tâm trong kết hợp với trách nhiệm cao sẽ tìm ra được biện pháp hay để vừa làm chỉ huy, vừa làm “người anh, người chị, người bạn” của chiến sĩ, đây cũng là căn cốt trong công tác quản lý tư tưởng, là chất keo kết dính tạo nên môi trường xã hội quân sự mà ở đó có sự thống nhất, đồng lòng trong một tập thể lớn...”./.