Thất thu thuế do không quản lý được luồng tiền

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa qua mạng internet, mạng xã hội, thậm chí cả truyền hình trực tuyến khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, hiện thuế thương mại điện tử (TMĐT) chưa được quản lý tốt. Đơn cử như việc cơ quan thuế đã cố gắng phân loại các hình thức giao dịch khác nhau như bán hàng trên mạng xã hội, trên tivi, các cá nhân cung cấp dịch vụ cho Youtube, Google... nhưng số tiền thuế thu được chưa nhiều. Nguyên nhân là cơ quan chức năng chưa quản lý được luồng tiền và không nắm chắc được giao dịch ngân hàng.

Theo bà Cúc, hiện tại, phía ngân hàng chỉ cung cấp cho cơ quan thuế các trường hợp vi phạm, trốn lậu thuế còn những tài khoản khác, cơ quan thuế không nắm được dù rằng có thể các tài khoản này được Google, Youtube trả hàng chục tỷ đồng.

quan ly thue thuong mai dien tu can co che giam sat luong tien
Hiện thuế thương mại điện tử chưa được quản lý tốt (Ảnh minh hoạ: KT)

“Công tác quản lý thuế vẫn còn một số tồn tại nhất định, còn thất thu tiền thuế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với một loại hình kinh doanh mới như kinh doanh TMĐT. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu nhiều cơ sở dữ liệu để xác định doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh, thu nhập chịu thuế của người nộp thuế. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý thuế đối với thương mại, giao dịch điện tử... chưa được quy định một cách toàn diện”, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.

Cũng theo bà Cúc, việc chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý hữu quan chưa có hiệu quả cao như kết nối với các tổ chức tín dụng, các đơn vị có chức năng thanh toán để xác định doanh thu bán hàng hóa dịch vụ còn thiếu, yếu. Công tác quản lý thuế chưa theo kịp thực tiễn phát triển giao dịch thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu.

quan ly thue thuong mai dien tu can co che giam sat luong tien
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam

Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, trong quản lý thu thuế có hai vấn đề đặt ra, thứ nhất là làm thế nào để nắm được doanh thu; thứ hai là cách thu thuế như thế nào. Để quản lý được doanh thu, cần phải có sự phối hợp với ngân hàng. Vì hiện nay, với trường hợp người Việt Nam cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho các trang web nước ngoài thường được thanh toán qua ngân hàng, cũng có trường hợp thanh toán tiền mặt, nhưng rất ít.

“Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng (cá nhân) khi người nộp thuế vi phạm, còn những trường hợp khác thì chưa có quy định. Do đó, việc đưa vào Luật Quản lý thuế (sửa đổi) về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin khách hàng là rất cần thiết để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT”, bà Cúc nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc quản lý thuế nói riêng và quản lý hoạt động thương mại điện tử đang gặp khó ở việc xác định doanh thu của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

“Việc làm sao thu thập được số liệu để xác minh doanh thu, từ đó xác định mức thuế đối với doanh nghiệp là điều vô cùng gian nan. Không chỉ cơ quan Thuế, mà bản thân Bộ Công Thương - đơn vị quản lý nhà nước về thương mại điện tử cũng gặp khó khăn trong việc thu thập số liệu”, bà Lại Việt Anh nói.

Cần có cơ chế phối hợp để quản lý thuế TMĐT

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế cho biết, hiện ngành Thuế đang thực hiện một số giải pháp để quản lý thuế thương mại điện tử. Trong đó, giải pháp về thể chế là sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật thuế (như Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật thuế Xuất nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành) để đảm bảo bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát sinh tại Việt Nam.

quan ly thue thuong mai dien tu can co che giam sat luong tien
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Thuế

Trong đó, một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 7 (đang diễn ra) là bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT. Đặc biệt, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi có đề xuất ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện có một số ý kiến từ các ngân hàng cho rằng thông tin khách hàng là thông tin bí mật, nên không thể cung cấp cho cơ quan Thuế. Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, trong Luật Quản lý thuế hiện hành đã có quy định cơ quan Thuế có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin của người nộp thuế. Vậy thông tin khách hàng mà ngân hàng cung cấp cho cơ quan Thuế cũng sẽ được cơ quan Thuế đảm bảo bí mật. Nghĩa là, khi cơ quan Thuế sử dụng thông tin khách hàng, cũng phải đảm bảo không để lộ thông tin của khách hàng. Chỉ khi nào người nộp thuế (khách hàng) vi phạm pháp luật, lúc đó cơ quan Thuế mới công bố.

“Các ngân hàng thương mại dù hoạt động kinh doanh cũng phải có trách nhiệm trong việc thu ngân sách nhà nước. Vấn đề đặt ra ở đây là sau khi đưa vào Luật, hai bên (Tổng cục Thuế và Ngân hàng Nhà nước) cần phải có quy chế phối hợp chặt chẽ, làm rõ trách nhiệm của mỗi bên trong trao đổi thông tin. Phía Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan Thuế; còn phía cơ quan Thuế phải đảm bảo thông tin của khách hàng được bảo mật tuyệt đối”, bà Nguyễn Thị Cúc nêu ý kiến.

Để quản lý thuế TMĐT, tránh thất thu thuế như thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, nhất thiết phải có cơ chế chia sẻ thông tin giữa tổ chức tín dụng và cơ quan thuế nhưng vẫn đảm bảo bí mật với người nộp thuế. Điều này một mình ngành Thuế không làm được mà phải phối hợp với các đơn vị chức năng khác ví dụ như cơ quan an ninh mạng, Bộ Công an, các tổ chức tín dụng để làm sao xây dựng cơ sở dữ liệu để nắm được thông tin người nộp thuế./.