Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức đã lên tiếng phản đối và coi đây là hành động “không thể chấp nhận được” bởi lâu nay họ vẫn coi lực lượng này là khủng bố. Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vốn chẳng mấy tốt đẹp thời gian qua có thể rơi xuống mức “chạm đáy”.

quan he my tho nhi ky cham day vi van de nguoi kurd syria
Lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria. Ảnh: Reuters

Liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS cho biết, trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria đang dần đi đến hồi kết, Liên quân và các đồng minh trong Lực lượng Bảo vệ Syria (SDF) gồm các nhóm vũ trang đối lập bắt đầu chuyển sang tập trung vào an ninh biên giới.

Mục tiêu cuối cùng là thành lập “lực lượng an ninh biên giới” gồm 30.000 thành viên, với một nửa trong số này là các tay súng SDF đã được huấn luyện nhằm hướng tới việc đảm bảo an ninh tại các khu vực mới được giải phóng.

Người phát ngôn Liên quân Ryan Dillon xác nhận, hiện có 230 người đang được huấn luyện trong lực lượng an ninh này và đây là “lớp huấn luyện mở màn”.

Dự kiến lực lượng vũ trang mới này sẽ được triển khai dọc khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và giáp với vùng lãnh thổ binh sĩ chính phủ Syria đang kiểm soát.

Đến nay, Chính phủ Syria vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào về quyết định trên của Liên quân, song từ trước đến nay, giới chức Syria vẫn luôn coi Mỹ là lực lượng chiếm đóng và Lực lượng Bảo vệ Syria (SDF) là những “kẻ phản bội”.

Tuy nhiên, ngay lập tức, đồng minh lâu năm của Mỹ tại khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ lại lên tiếng phản đối trước và cho rằng động thái của liên quân đang “hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố”.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết, thay vì việc Liên quân chấm dứt sự hỗ trợ đối với đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), thì họ lại đang hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố và điều này là “không thể chấp nhận được”. Hiện hai lực lượng này là những lực lượng chủ chốt trong SDF được Mỹ hậu thuẫn bấy lâu nay tại Syria.

Trước đó 1 ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Afrin ở miền Bắc Syria do lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) đang nắm quyền kiểm soát.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Erdogan cho biết nước này sẽ tiếp tục các chiến dịch quân sự của mình và sẽ mở màn với Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” tại thị trấn Afrin trong những ngày tới.

“Nếu những kẻ khủng bố ở Afrin không đầu hàng, chúng ta sẽ đập tan chúng. Còn tại Manbij, nếu họ không giữ lời hứa, chúng ta sẽ sớm giải quyết vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến của chúng tôi, cho đến khi không còn những kẻ khủng bố trên biên giới Syria”, ông Erdogan nói.

Đây sẽ là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất từ trước đến nay được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai nhằm quét sạch các phần tử khủng bố tại khu vực biên giới miền Nam nước này.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây xấu đi nhanh chóng, đặc biệt từ sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 năm 2016. Việc ủng hộ lâu nay của Mỹ cho lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria cả về huấn luyện lẫn cung cấp vũ trang cũng luôn khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể hài lòng với Mỹ.

Vài ngày trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đã kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm nếu không muốn phá hủy quan hệ giữa hai nước. Với các tuyên bố mới nhất của cả 2 bên về người Kurd, Syria: Mỹ ủng hộ, Thổ Nhĩ Kỳ dọa tấn công, thì quan hệ hai nước nhiều khả năng sẽ xấu đi một cách nhanh chóng trong thời gian tới./.