Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ TT&TT, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm một số vấn đề.

Về việc thực hiện chính sách đối với người có công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, không để người có công không được hưởng chính sách, mặt khác không để hiện tượng lợi dụng giả danh, giả mạo để hưởng chính sách. Bên cạnh đó, cần xác định tìm kiếm hài cốt liệt sỹ và danh tính liệt sỹ.

ptt vu duc dam khong de nguoi co cong khong duoc huong chinh sach

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Về vấn đề thất nghiệp và đào tạo nghề, để giải quyết tình trạng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học mà không có việc làm thì phải có nhiều giải pháp; trong đó phải cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, mở thêm nhiều nhà máy. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Về công tác cai nghiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương quan tâm việc chuyển đổi các trung tâm cai nghiện thành các cơ sở vừa cai nghiện, kết hợp giáo dục, trợ giúp pháp lý, đảm bảo các quyền của các học viên cai nghiện, tạo điều kiện cho họ sau khi cai nghiện hòa nhập cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, hiện nay công nghệ thông tin tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Một mặt phải khuyến khích phát triển, mặt khác phải có giải pháp để đảm bảo an toàn an ninh. Đây cũng là vấn đề lớn của thế giới. Để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ từ khung pháp lý, các thiết chế, các giải pháp công nghệ nhưng đặc biệt phải là ý thức của người sử dụng.

Việt Nam đứng thứ đầu thế giới về tỷ lệ các thiết bị lây nhiễm các phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện, thứ 10 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm các hình thức phần mềm độc hại qua hình thức trực tuyến.

Việc mất an toàn an ninh thông tin mạng vô cùng nguy hiểm bởi trong thế giới hiện nay tất cả các nhà máy đều được kết nối mạng. Khi mất an toàn an ninh không chỉ lộ, lọt bí mật, mà quan trọng hơn là bị nắm quyền điều khiển hệ thống, đánh sập các hệ thống gây ảnh hưởng, khủng hoảng lớn về kinh tế xã hội và thậm chí về quốc phòng an ninh.

Tới đây, Việt Nam sẽ phải làm mạnh mẽ hơn bằng việc tăng cường các giải pháp, nâng cao vai trò của hiệp hội các doanh nghiệp làm công nghệ thông tin, các doanh nghiệp làm về bảo vệ an toàn thông tin. Đặc biệt, tuyên truyền đến từng người sử dụng. Về các thông tin xấu, độc trên mạng, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ pháp luật đến giải pháp làm việc với các cơ quan cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý của các nước./.