Ảnh minh họa: Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân phong


Bà Trần Thị Tý năm nay đã gần 70 tuổi. Bà kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về những người bị bệnh phong giống như bà. Mỗi người một mất mát khác nhau nhưng đau đớn và tủi phận, đó là những gì đã diễn ra trong suốt quãng đời của bà. Như trút được bầu tâm sự, bà kể: năm 1975, khi bắt đầu bị bệnh cũng chính là thời gian bà bị người đời xa lánh. Không người thân, không chỗ dựa, không một bờ vai che chở, bà đã trao cả cuộc đời của mình vào khu điều trị phong Phú Bình.

Ở đây, bà có rất nhiều bạn, có người thân và có cả những người không bị bệnh như bà nhưng lại suốt ngày gắn bó, sẻ chia với bà. Những người bạn ấy là bác sỹ Bình, bác sỹ La và nhiều người khác nữa. Có những hôm thời tiết se lạnh, nỗi đau của người bị bệnh như bà lại tái phát và nhói buốt trong tim, nhưng bà đã vượt lên tất cả.

Những bước chân khập khiễng vì nỗi đau mất mát, những bàn tay không còn lành lặn để có thể tự chăm sóc cho bản thân mình, nhưng những nỗi đau ấy đã được xoa dịu rất nhiều bởi tình yêu thương giữa con người với con người.

Bác sỹ Lê Thị Bình là người đã gắn bó với các bệnh nhân từ năm 1990. Trong điều kiện chồng làm xa, các con còn nhỏ, nhưng chị đã hết lòng hết sức phục vụ hàng trăm bệnh nhân của khu điều trị. Không phải không có lúc chị dao động trong khi nhiều lần có bác sỹ được điều chuyển về đây đã ra đi bằng mọi cách để không phải làm việc ở nơi xa xôi hẻo lánh mà lại buồn tẻ này. Họ ra đi vì sợ nhiều thứ, trong đó có một nỗi sợ mà không phải ai cũng có thể vượt qua được chính bản thân mình, đó là sợ tiếp xúc với căn bệnh này.

Nhưng, bác sỹ Bình và nhiều bác sỹ nơi đây đã vượt qua được điều đó bởi họ cảm nhận được nỗi đau đớn tinh thần và sự mặc cảm sâu sắc của những bệnh nhân phong trước sự kỳ thị ghê gớm của xã hội.

Thăm khu điều trị phong, được gần gũi, trò chuyện với các bệnh nhân nơi đây mới thấy hết được nỗi khổ của người mắc bệnh.

Khu điều trị Phong Phú Bình giờ đã khác xưa nhiều. Ở đây không có cảnh bác sỹ xa lánh bệnh nhân, không còn sự mặc cảm của gia đình và xã hội. Con cháu đã hội tụ về trại chơi với ông bà ngày một đông vui hơn. Khắc phục một tâm lý sai lầm còn gay go hơn tìm ra cách chữa một căn bệnh. Để chống lại tâm lý ấy bác sỹ Bình cũng như nhiều cán bộ khác đã tự động vào sống chung và làm việc chung với bệnh nhân. Điều đó đã chứng minh: tình cảm chính là sức mạnh để kéo con người với con người xích lại gần nhau hơn và để những bệnh nhân phong cảm thấy yêu đời và lạc quan với cuộc sống hơn.

Hơn 500 bệnh nhân đã chết, chỉ còn lại hơn 100 người sống trong trại. “Hãy đến với những người không ai đến, hãy cho những người không ai cho". Đó là những tâm niệm của các bác sỹ ở đây khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Năm 1994, anh Trần Duy Vượng bắt đầu vào làm việc tại khu điều trị. Công việc của anh ở đây không giống với như những công việc khác, đó là đo và làm dép cho các bệnh nhân phong. Mỗi bệnh nhân một loại dép, mỗi chân lại một cỡ và có những thương tật khác nhau, xong anh vẫn luôn hoàn thành tốt công việc của mình với một thái độ làm việc kiên trì, tỉ mỉ và hết lòng phục vụ bệnh nhân.

Làm được những điều thiêng liêng này chính là do các bác sỹ ở đây đã thấm nhuần lời dạy của Bác về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo Bác, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Cán bộ, đảng viên phải tận tậm, tận lực, tận tình, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Và bản thân Bác chính là tấm gương cao đẹp về đạo đức ấy.

Trở lại thăm những người bạn của mình đã từ giã cõi trần về với tổ tiên, bà Trần Thị Tý không khỏi xót xa khi trước kia, những người bạn của bà chết mà vẫn chưa yên vì vẫn bị người đời ghê sợ và xa lánh. Nơi chôn cất còn phải đặt thật xa và phải chôn bằng vôi. Nay thì đã khác, nghĩa trang cho những người bị bệnh phong như bà cũng đã được quan tâm và xây dựng khang trang hơn. Những bác sỹ nơi đây vẫn thường xuyên đến đây để thắp nén nhang thơm, an ủi những người nằm dưới mồ. Chính những hành động cao đẹp ấy đã khiến những người bị bệnh phong khi còn sống ngày càng thêm yêu cuộc sống hơn.

Thu Hiền