Chỉ hơn chục cây số từ Phúc Thuận vào đến trunng tâm của xã Phúc Tân mà chiếc xe Misubisi gầm cao hai cầu phải vất vả “bò” trong hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi. Cái gọi là “ Con đường ...” liên xã này thực chất là đường lâm nghiệp từ những năm 60,70 của thế kỷ trước chỉ để phục vụ cho xe lâm nghiệp vào, ra chở lâm sản. Ngày nay vẫn thế; Con đường ấy có thêm chức năng là đường liên xã, để phục vụ việc quốc kế, dân sinh của các xã vùng ba( Vùng khó khăn) của huyện thuần nông Phổ Yên.

Ảnh: Gập ghềnh đường vào Phúc Tân( Ảnh: Hải Chiều)

Nhóm phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên vào với Phúc Tân dịp này có thêm anh Đỗ Thủy – Trưởng Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện và một nữ phóng viên của Đài huyện. Những đoạn khó khăn, xe phải “bò” từng tý một. Những lúc ấy là thời điểm hoạt động nghiệp vụ tốt nhất cho cánh báo hình chúng tôi. Phóng viên quay phim Hải Chiều đã không bỏ sót những thời điểm ấy để ghi lại hình ảnh những nhọc nhằn trên con đường vào với Phúc Tân.

Cách đây chừng 15 năm, vào cuối năm 1994 đầu năm 1995, tôi đã có dịp cùng đoàn đại biểu của tỉnh Bắc Thái về với Phúc Tân dịp trước tết. Khi ấy ở vùng đất này có giống Quýt đỏ rất đẹp.15 năm rồi mà hôm nay trở lại, đường vấn thế, có những chỗ còn xấu đi thêm, những đồi Quýt đỏ của năm nào giờ đây cũng không còn thấy. Vật vã mãi với con đường nhiều chỗ “nhầy nhụa”, với những vũng bùn, những “sống trâu”, “ ổ voi, ổ bò” ... chiếc xe cùng với đoàn phóng viên cũng vào đến trụ sở Đảng ủy, UBND xã Phúc Tân. Trước khi vào đến trụ sở, xe của chúng tôi phải qua một đoạn đường xấu cuối cùng ngay trước trường học của xã và “Cổng” xã. Một đoạn đường không thể “lầy “ hơn được nữa. Nghĩ mà thương cho các em học sinh hàng ngày phải qua lại con đường này đi học mà chỗ lầy lội nhất lại ở ngay trước cổng trường học của mình.

Ảnh: Lầy lội ngay trước trước trường học của xã( Ảnh: Hải Chiều)

Trụ sở của xã đang xây dựng chưa xong. Tiếp chúng tôi trong nơi làm việc tạm thời tại Hội trường của xã, anh Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã rất cảm thông và chia sẻ với đoàn trên hành trình về với Phúc Tân.

Nói chuyện với người đứng đầu xã về mặt hành chính này, chúng tôi được biết, Phúc Tân có một cái “ Nhất” của huyện Phổ Yên – Đó là “ Nghèo” nhât. Xã có trên 740 hộ với 3150 nhân khẩu thì tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm tới 40,9%; Tỷ lệ hộ khá chỉ trên 10% ...

Chúng tôi được biết, vùng đất Phúc Tân ngày xưa rât khắc nghiệt, vào khoảng những năm năm 1950, đồng bào người Sán Dìu, người Trại đất... về dọn nương, làm bãi, nhưng lại không sống nổi mà phải bỏ đất mà đi, tất cả cũng bởi việc ra - vào khó khăn. Cho tới những năm 1960, Đảng vận động bà con người Hà Nam, Ninh Bình... lên khai hoang phục hóa. Vậy là vùng đất nhiều đồi dốc lại lắm suối nhiều khe ấy thức dậy bởi bàn tay con người. Nhưng củ sắn, cây mố, đàn lợn trong chuồng và cả những nương chè xanh tốt, ngày thu hoạch tư thương theo nhau vào ép giá. Con đường xóc tức tưởi với đá, song khi mưa lại nhầy nhụa bùn đất khiến dẻo đất Phúc Tân như xa hơn với trung tâm huyện. Vậy nên từ ngày lập làng, các cụ đã ví đây như vùng đất nằm đáy giỏ, vào rồi không ra được. Người dân nơi đây nói rằng: Phúc Tân bị dải núi Thằn lằn và dòng sông Công ép vào giữ, nên việc mở mang đất đai, làm giàu của nhân dân rất khó khăn. Để thoát nghèo, cách tháo gỡ chỉ có cách độc nhất là việc mở một con đường lớn nối sang T.P Thái Nguyên và xuôi về Phúc Thuận. Trong câu chuyện của mình, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân Trần Hồng Thái cho biết thêm: Đi họp huyện là việc cực chẳng đã. Chúng tôi phải ngược đèo sang T.P Thái Nguyên rồi xuôi về huyện. Có mất thêm chút thời gian, nhưng đổi lại, mình được mặc quần áo không lấm lem bụi đất…

Nhìn ra ngoài, Phúc Tân trải dài một màu xanh của những cánh rừng nối tiếp nhau; Những thửa ruộng len lỏi trong những chân núi, chân đồi; Những vườn cây, ao ca ... thế nhưng thực tế thì đây lại là địa phương nghèo nhất huyện. Trong câu chuyện, anh Thái – Chủ tịch xã cho biết: Trông thì rộng và nhiều đất vậy thôi nhưng diện tích thực tế của đại phương quản lý lại rất thấp. Toàn xã có diện tích tự nhiên là 3449,5 ha thì Lâm trường Phúc Tân đã quản lý trên 1000 ha; Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Cốc quản lý trên 1000 ha. Như vậy xã chỉ còn hơn 1000 ha. Người dân sống với rừng nhưng không được hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Mong muốn của nhân dân Phúc Tân, là được giao đất, giao rừng để sống được từ vườn rừng nhưng đã đề đạt nhiều mà vẫn chưa có hướng giải quyết sao cho thích hợp với cả đôi bên là Lâm trường và người dân.

Cái nghèo đeo đẳng ở đây trong hàng thập kỷ và đã qua nhiều thế hệ, bởi nhiều nguyên nhân; Từ việc thiếu đất canh tác đến vấn đề sản phẩm nông sản làm ra thiếu thị trường tiêu thụ, bị tư thương vào đây mua ép giá. Người nông dân vât vả làm ra chè, thóc, hoa quả ... thì bị mua sản phẩm với giá rẻ. Trong những nguyên nhân dẫn đến kinh tế, xã hội vùng sơn cước này chưa phát triển được có yếu tố là do đường giao thông không thuận lợi. Con đường chạy từ xã Phúc Thuận đến Phúc Tân nối sang đến Tân Cương của thành phố Thái Nguyên chỉ dài hơn 10 cây số nhưng thật gian nan, trắc trở.

Mong rằng trong một ngày không xa những đoạn đường
như thế này sẽ chỉ còn trong hồi ức( Ảnh: Hải Chiều)

Lịch sử của tuyến đường này xưa kia là đường khai thác lâm sản của Lâm trường Đồng Hỷ mở từ những năm 60,70 của thế kỷ trước. Hàng chục năm qua, con đường vẫn thế, chủ yếu do nhân dân địa phương tự sửa sang, đào đắp mà chưa hề dược nâng cấp. Lần sửa đường quy mô nhất có thể coi như vậy là vào năm 1996, Lâm trường Phúc Tân khi ấy đã dùng máy ủi gạt lại phần nền đường và cho xây dựng một số cống thoát nước ở những nơi xung yếu ... Kể từ đó cho đến nay, con đường vẫn chưa được đầu tư gì thêm.

Tiếp xúc với những người dân bình dị, chất phác nơi vùng đất này, tôi cảm nhận được sự khao khát về một con đường đi thuận tiện. Điện – Đường – Trường – Trạm là các yếu tố để phát triển nông thôn, miền núi. Điện, Trường, Trạm đã có nhưng Đường chưa tốt thì mấy ai muốn về đây. Những cán bộ của tỉnh, huyện hàng mấy năm mới về đây một lần mà vào thí lại ngại tuyến đường ra – Ra rồi thì lại ngại muốn vào ... Chỉ bởi một lẽ: Đường quá xấu ! ...

Năm 2009 này, một tin vui đã về với Phúc Tân; Thực hiện chủ trương của tỉnh Thái Nguyên lấy năm nay là năm tiếp tục Cải cách hành chính lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá để thu hút đầu tư; Tuyến đường nối liền Phúc Thuận với Phúc Tân sang Tân Cương được đầu tư xây dựng với số kinh phí trên 17 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân hàng thế giới (WB). Chúng tôi được biết, Điểm đầu tiên của tuyến đường được bắt đầu từ đường ĐT 261 Phúc Thuận, qua Phúc Tân và nối sang đường xã Tân Cương - T.P Thái Nguyên. Với tổng chiều dài hơn 10 km, trong đó đoạn qua Phúc Tân dài gần 7 km. Theo thiết kế: Nền đường rộng 6m, mặt rộng 3,5m lu lèn đá dăm, láng nhựa. Anh Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đường sẽ đi qua các xóm 9, 8, 6, 3, 5, có 166 hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến công trình. Qua kiểm đếm sơ bộ, tại 5 xóm nêu trên, số tài sản trên đất có trị giá gần 300 triệu đồng.

Cái ngày đáng nhớ với người dân Phuc Tân đã đến. Ngày 07/3/2009, ngày được Đảng bộ, chính quyền xã phát động nhân dân đăng ký hiến đất để làm đường. Những cán bộ ở xã và những người dân được chúng tôi gặp trong chuyến công tác này đã kể lại về không khí của ngày hội hiến đất hôm đó. Con số 100% số hộ của xã dọc hai bên con đường cam kết hiến đất đã nói lên sự khao khát có một con đường thuận tiện về với miền quê còn nhiều khó khăn của họ. Kết quả ấy có được là do có sự chuyển động từ ý thức cộng đồng của người dân nơi đây. Cùng với đó còn có sự lăn lộn với cơ sở của những cán bộ từ thôn, xóm đến xã. Công tác vận động nhân dân hiến đất được Phúc Tân chú trọng làm từ cơ sở. Theo chủ trương chủa huyện Phổ Yên, người dân đã tình nguyện và cam kết hiến đất và thu hoạch cây cối, hoa màu mà không yêu cầu đền bù. Chỉ những nơi có công trình xây dựng trên phần đất sẽ mở đường thì được nhà nước hỗ trợ khi di dời. Theo đánh giá thì có khoảng 80 hộ ở Phúc Tân có công trình trên phần đất phải giải tỏa. Số tiền hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng. Đến thời điểm cuối tháng 5/2009, khi chúng tôi về xã thì chỉ còn khoản 10 hộ là còn có khó khăn khi di chuyển. Anh Trần Hồng Thái – Chủ tịch UBND xã cho biết : Khó khăn đến mấy thì xã sẽ quyết tâm tìm giải pháp tháo gỡ. Không thể để mất dự án đầu tư con đường này. Thời cơ đã có, không thực hiện được là có tội với dân, với mảnh đất này. Tôi hiểu sự quyết tâm ấy không chỉ của những người đứng mũi, chịu sào ở đây mà là của cả những người dân chất phác, hiền lành, chịu thương, chịu khó ở Phúc Tân hôm nay. Được biết, ở đây có hộ hiến tới trên 1000 m2 đất , có hộ hiến tới trên 400 m2 đất thổ cư ; Số hộ hiến hàng trăm m2 đât khá nhiều. Tôi đã tới nhà anh Nguễn Văn Binh ở xóm 5 – Đây là một hộ nghèo của xã. Căn nhà đã cũ và hơn 400 m2 đất với vườn chè đang xanh tốt của anh sẽ vào vị trí của con đường trong tương lai. Nói chuyện với anh chúng tôi thấy được sự nhiệt tình và mong muốn có được con đường về với miền quê này. Băn khoăn lớn nhất của anh là tới đây sẽ làm lại nhà như thế nào khi phần lớn đât của gia đình đã vào con đường mới. Mong rằng chính quyền xã Phúc Tân sẽ có sự quan tâm tới những hộ đã vì cái chung mà hy sinh quyền lợi của riêng mình.

Chúng tôi đã tới một hộ hiến tới hơn 1000m2. Đó là hộ của gia đình anh Nguyễn Xuân Đông – Một cựu chiến binh và vợ là chị Đỗ Thị Vỹ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phúc Tân. Trong căn nhà được anh, chị xây dựng bên sườn đồi chè, chúng tôi được anh, chị cho biết, diện tích được gia đình cam kết hiến đất là 1002 m2, bao gồm cả đất thổ cư, đất vườn chè và đất ruộng.

Đối với hộ ông Nguyễn Doanh Phúc, một thương binh hạng 2/4 ; Chúng tôi được biết ông đã cùng gia đình cam kết hiến 468m2 đất trong đó có 156 m2 đất thổ cư và trên 300m2 diện tích ao nuôi Ba ba của gia đình.

Những người dân Phúc Tân chúng tôi được tiếp xúc, nói chuyện đều nói lên suy nghĩ rất thật của lòng mình là muốn quê hương mình đổi mới cho “bằng anh, bằng chị” như những miền quê khác. Họ tâm sự rằng: Trước đây, người dân miền xuôi chúng tôi vâng lời Đảng lên đây lập nghiệp; tích cực thực hiện phong trào xóa đói giảm nghèo, nay nhân dân chúng tôi hiến đất làm đường. Một con đường sẽ mở ra cho vùng đất Phúc Tân những triển vọng, cơ hội mới, rút ngắn được khoảng cách giàu nghèo với các xã trung tâm huyện.

"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chân lý ấy đã được Bác Hồ kính yêu của chúng ta khẳng định và đang hiện hữu sinh động nơi mảnh đất này. Câu chuyện hiến đất để làm đường đã và đang được kể bằng tực tiễn ở nhiều miền quê của tỉnh Thái Nguyên từ Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên ... Người dân nơi các vùng quên ấy vẫn nghèo khó, những họ đã dành cả tấm lòng của mình với quê hương, mong cho những miền quê còn nhiều nghèo khó phát triển, đi lên. Với Phúc Tân – Nơi trung tâm xã chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên chưa đầy 20 km thì không chỉ người dân nơi này, mà bất cứ ai về đây đều thấm thía sự nhọc nhằn của giao thông; Để thấy sự khao khát một con đường luôn mãnh liệt hơn bao giờ hết với người dân nơi này.

Con đường hôm nay đi còn gập ghềnh, lầy lội, nhưng lấp lánh ở đó, con đường của ý Đảng, lòng Dân đã hình thành, rộng mở, nâng bước chân cho những người dân nơi miền sơn cước này bước ra vào con đường hội nhập; Để Phúc Tân ngày một có thêm nhiều Hạnh Phúc Mới ./.

Nguyễn Bảo Lâm


http://www.thainguyentv.vn/default.aspx?tabid=435&CateID=414&P=5phóng sự " Nhọc nhằn đường về với Phúc Tân" tại đây