phu nu xa quyet thang voi phong trao dan van kheo
Tổ hợp tác trồng và chế biến chè an toàn xóm Cây Xanh với 50 hội viên phụ nữ tham gia tích cực vận động, hỗ trợ nhau trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, thu nhập từ sản phẩm chè.

Dẫn chúng tôi đi thăm Tổ hợp tác trồng và chế biến chè an toàn xóm Cây Xanh do Hội Liên hiệp Phữ nữ xã phát động được thành lập năm 2015, chị Dương Thị Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phấn khởi kể: Hai năm qua, hoạt động của tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Hội viên tham gia vào Tổ hợp tác trao đổi ngày công giúp nhau thu hoạch chè đúng thời điểm cho năng suất cao, chất lượng tốt, được hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây chè. Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả đã giúp cho từng hội viên phụ nữ trong xóm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất, đồng ruộng của mình.

Trao đổi cùng chúng tôi, chị Lý Thị Hương, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè xóm Cây Xanh cho biết: Xóm có 80/240 hộ trồng chè với khoảng 10ha chè (100% diện tích là chè giống mới). Năm nay, chè của xóm bán được giá hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước. Các hội viên phụ nữ trong tổ không chỉ trao đổi kinh nghiệm cùng nhau mà còn tích cực vận động các hộ dân trong xóm thay thế diện tích chè cũ cằn cỗi bằng giống mới, trồng chè và áp dụng quy trình chăm sóc an toàn để nâng cao năng suất, hạn chế sâu bệnh và đặc biệt là nâng cao diện tích trồng chè an toàn.

Thực tế tại một số gia đình hội viên phụ nữ trong xóm, chúng tôi nhận thấy nhờ tham gia Tổ hợp tác trồng và chế biến chè an toàn, nhiều gia đình đã nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo hướng an toàn, từ đó thu nhập từ sản phẩm cũng được nâng lên. Gia đình chị Hà Thị Hường là một ví dụ. Với 5 sào chè giống LDP1, thời điểm này, nhà chị đang tập trung làm chè vụ đông để bán dịp Tết. Đây là vụ giá chè cao nhất nên ban ngày gia đình chị đi hái chè đổi công, chiều đến đi thu mua rơm rạ về dấp vào gốc chè, sáng tưới nước giếng khoan (tưới vừa đủ) để giữ độ ẩm cho cây chè. Giá bán 1 kg chè khô (giống chè cành) hiện nay của gia đình là 300.000 đồng, cao hơn năm trước 10-15%.

Chị Lý Thị Hương cho chúng tôi biết thêm, tháng 10-2015, xóm đã thành lập Tổ hợp tác chè Cây Xanh với 50 thành viên. Mặc dù chưa được công nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên, thời gian qua, những người làm chè trong xóm luôn chú trọng sản xuất chè đảm bảo theo quy trình VietGAP để giữ uy tín với khách hàng và đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân. Nhân dân trong xóm rất vui mừng được UBND tỉnh công nhận Làng nghề chè. Chúng tôi quyết tâm gắn kết các thành viên trong tổ hợp tác, vận động bà con mở rộng diện tích trồng chè an toàn, nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Ngoài mô hình Tổ hợp tác trồng và chế biến chè an toàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quyết Thắng còn thành lập mô hình Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải xóm Sơn Tiến với 8 thành viên tham gia. Trên tinh thần tự nguyện, hàng ngày chị em đều đặn đẩy xe đi thu gom rác thải trên địa bàn toàn xóm. Từ khi thành lập mô hình tổ tự quản này, việc bảo vệ môi trường trong xóm được cải thiện, không còn rác thải ô nhiễm, đời sống và sức khỏe của nhân dân được bảo đảm. Trên đây chỉ là hai mô hình tiêu biểu trong nhiều mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quyết Thắng đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua.

Từ nhận thức sâu sắc ý nghĩa tầm quan trọng của mô hình “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực triển khai, ban hành các kế hoạch, hướng dẫn xây dựng mô hình “Dân vận khéo”.Để các phong trào đi vào chiều sâu, công tác tuyên truyền được Hội chú trọng hàng đầu, dưới nhiều hình thức thiết thực thông qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ Hội, lồng ghép với các hội nghị giao ban, sinh hoạt chuyên đề, từ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực, hưởng ứng tham gia thực hiện phong trào. Hội cũng làm tốt việc lựa chọn, đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, gương mẫu trong việc bàn giao mặt bằng tạo điều kiện cho các dự án lớn của tỉnh, thành phố triển khai trên địa bàn thuận lợi.

Cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn chú trọng triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ công tác Hội. Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên trong thực thi công vụ, tạo sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh. Những kết quả thiết thực mà phong trào thi đua "Dân vận khéo" của các cấp Hội phụ nữ xã Quyết Thắng đạt được trong thời gian qua đã phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của cán bộ, hội viên, phụ nữ, tạo sự đồng thuận, chung tay thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn T.P Thái Nguyên…