Vào thời gian này, về thăm các xã miền núi của huyện Phú Lương đâu đâu cũng dễ dàng nhận thấy những vườn chè xanh mướt, hứa hẹn cho năng suất và chất lượng cao. Có được kết quả đó là do người dân đã tiếp cận được với khoa học kỹ thuật tiến tiến, từng bước trồng thay thế diện tích chè trung du bằng giống chè cành cho hiệu quả kinh tế cao. Và trong kết quả sản xuất đáng phấn khởi ấy phải kể đến sự tác động quan trọng từ nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước dành cho các hộ nông dân nghèo, cận nghèo và thoát nghèo.

Gia đình chị Đào Thị Đoan ở xóm Phú Nam 3 xã Phú Đô là một trong những hộ dân được vay nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để đầu tư sản xuất. Qua 2 lần vay vốn, gia đình chị Đoan đã đầu tư chăm sóc cho hơn 7 nghìn mét vuông chè, mỗi năm cho thu hoạch khoảng hơn 1 tấn chè búp khô. Nguồn thu mang lại từ chè không chỉ giúp cho gia đình chị thoát được nghèo, mà còn có tiền để xây dựng được ngôi nhà khá khang trang. Chị tâm sự với chúng tôi: “Nhà trước nghèo lắm, rất khó khăn khi nuôi con ăn học, nhờ vay vốn ưu đãi của ngân hàng bây giờ đã thoát nghèo rồi, xây được nhà rồi, phấn khởi lắm”.

phu luong khi to chuc hoi phoi hop voi ngan hang thuc hien xoa ngheo
Nguồn thu mang lại từ chè không chỉ giúp cho gia đình chị thoát được nghèo, mà còn có tiền để xây dựng được nhà.

Không chỉ riêng gia đình chị Đoan, trong những năm gần đây, thông qua tổ chức hội phụ nữ các cấp, hàng năm ở Phú Lương đã có hàng nghìn hội viên phụ nữ được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Theo đánh giá của các địa phương trong huyện, hầu hết các gia đình hội viên được vay vốn đều đầu tư đúng mục đích, trả lãi đúng kỳ hạn và hiệu quả đầu tư của nguồn vốn mang lại khá cao: Bà Phùng Thị Tơ – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Đô dẫn chúng tôi đến thăm một số mô hình gia đình phụ nữ thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi cho biết: “Nhiều hội viên trong xã khó khăn khi được hội phụ nữ tư vấn vay vốn ưu đãi còn ngại ngùng sợ không trả được. Chúng tôi xây dựng mô hình điểm để hội viên làm theo do đó đã nhanh trong lan rộng và hầu hết hội viên vay vốn sử dụng đúng mục đích đem lại hiệu quả, thoát được nghèo, xây dựng nhà cửa nuôi con ăn học…”.

phu luong khi to chuc hoi phoi hop voi ngan hang thuc hien xoa ngheo

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm ở Phú Lương có 3.500 đến 3.700 gia đình hội viên phụ nữ được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách huyện, với tổng số dư nợ thường xuyên ở mức trên 100 tỷ đồng. Chị Khuông Kim Nhung – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Lương đánh giá rất cao vai trò của nguồn vốn vay ưu đãi và ghi nhận những nỗ lực cách làm của các Chi hội cơ sở cũng như ý thức vươn lên thoát nghèo của các hội viên. Chị cho biết: “Với nguồn vốn vay trên các gia đình hội viên phụ nữ đã đầu tư vào trồng chè, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ làm ăn hiệu quả mà các gia đình hội viên đã từng bước thoát nghèo, bình quân mỗi năm toàn huyện có khoảng 90 đến 100 gia đình hội viên thoát nghèo.”

phu luong khi to chuc hoi phoi hop voi ngan hang thuc hien xoa ngheo
Khung cảnh vườn chè xóm Phú Nam 3, xã Phú Đô , huyện Phú Lương.

Hiện nay cùng với việc tạo điều kiện tốt nhất để cho các gia đình hội viên phụ nữ được vay các nguồn vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Lương sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, đoàn thể trong huyện tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; xây dựng các mô hình kinh tế trọng điểm để cho chị em thăm quan, học tập. Từ đó ngày càng có điều kiện tốt hơn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của huyện../.