Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, gia đình anh Nguyễn Văn Kiên ở xóm Ngò, xã Tân Đức, huyện Phú Bình phải tiêu hủy 7 tấn lợn. Đến cuối năm 2019, khi dịch đã tạm lắng, gia đình anh khẩn trương tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại và dần khôi phục chăn nuôi. Đến nay, trang trại của gia đình có 60 con lợn nái và trên 200 con lợn thịt, tương đương với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Mới đây, gia đình anh Kiên đã xuất được 60 con lợn thịt với trọng lượng khoảng 110kg/con, giá bán trung bình 90.000 đồng/kg, thu về gần 600 triệu đồng. Anh Kiên cho biết: "Thực hiện các biện pháp an toàn trong chăn nuôi, cơ bản nhất là yếu tố quy mô xây dựng của mình phải đạt tiêu chí đảm bảo hàng rào sinh học, có nghĩa là từ lối đi vào trang trại, lúc nhập lợn, lúc xuất lợn, tất cả đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đều phải phun sát khuẩn, khử trùng, tiêu độc".

phu binh tung buoc khoi phuc chan nuoi sau dich
Gia đình anh Kiên tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại và dần khôi phục chăn nuôi.

Những năm gần đây, phát triển trang trại đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình. Cùng với việc tập trung tái đàn, duy trì sản xuất, các hộ chăn nuôi lợn cũng đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh như: Chuồng trại được phân chia thành các ô nhỏ, mỗi ô chỉ nuôi khoảng 20-30 con để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; nuôi theo hình thức chuồng kín, có quạt thông gió nên bên trong chuồng luôn mát mẻ và ngăn chặn được sự xâm nhập của các loại côn trùng. Chị Ngô Thị Dịu, xã Tân Đức huyện Phú Bình chia sẻ: "Tôi áp dụng phụt, diệt khuẩn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nước thải cho xuống bể biogas, tiêm phòng định kỳ".

Là huyện chăn nuôi trọng điểm của tỉnh với trên 200 trang trại chăn nuôi, chiếm 1/3 tổng số trang trại trên địa bàn tỉnh, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Phú Bình được kiểm soát, nhưng người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện vẫn rất thận trọng khi tái đàn, dù giá lợn hiện đang ở mức cao, đem lại lãi lớn cho người chăn nuôi. Huyện Phú Bình cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không nóng vội tái đàn tràn lan, mà phải bảo đảm an toàn, lưu ý chọn con giống đạt chất lượng, mua ở những cơ sở có uy tín; đồng thời, khuyến cáo bà con thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại theo định kỳ. Thực tế cho thấy, việc tái đàn nếu áp dụng đúng các biện pháp bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, đàn lợn sẽ phát triển ổn định. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: " Khuyến cáo bà con nhân dân trong thời điểm này đẩy nhanh tái đàn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tái đàn. Một là để hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, hai là chăn nuôi theo hướng sinh học hữu cơ, ba là tiêm phòng, bốn là môi trường. Chúng tôi chỉ đạo các ngành liên quan, đặc biệt là hệ thống ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho những người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi kinh tế trang trại".

phu binh tung buoc khoi phuc chan nuoi sau dich
Các hộ chăn nuôi ở huyện Phú Bình vẫn rất thận trọng khi tái đàn mặc dù giá lợn hiện đang ở mức cao.

Tin tưởng rằng, với nhiều biện pháp đồng bộ, huyện Phú Bình sẽ từng bước tái đàn đàn lợn an toàn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu của người dân, ổn định lại giá cả thịt lợn tại địa phương; đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi./.