Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên về một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Không ưu đãi dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm

PV: Nhiều đại biểu lo ngại, luật chưa được thông qua mà đất tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã "sốt" và khi nguồn lực quan trọng này bị "chim sẻ”, “chim sâu” chiếm hết thì khi "đại bàng" tới sẽ không còn chỗ làm tổ?

Ông Uông Chu Lưu: Trước hết, cần nói rõ ràng hiện tượng sốt đất vừa qua ở 3 nơi không có mối liên quan nào tới chính sách ưu đãi đất đai quy định trong dự thảo Luật đặc khu. Đây là phản ứng của thị trường, của một bộ phận người dân trước thông tin chúng ta sắp thành lập đặc khu ở các nơi đó. Chính quyền các địa phương đã kịp thời có biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ và giờ chúng ta thấy cơn sốt đã hạ nhiệt.

So với thế giới, các đặc khu của chúng ta thành lập sau, do đó phải có những cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội thì mới thu hút được đầu tư, mới cạnh tranh được. Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật là các cơ chế, chính sách đặc biệt quy định trong Luật có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, phải hợp lý, khả thi, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân.

pho chu tich quoc hoi vuot troi o dac khu khong chi uu dai
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Gao quyền mạnh mẽ chính là một đột phá của luật về đặc khu

Ưu đãi về đất đai là một trong các chính sách đặc biệt đó. Và đây cũng không phải chính sách mới lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta, mà pháp luật hiện hành về ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế đã quy định miễn tiền sử dụng đất có thời hạn thuê đối với một số loại dự án công nghệ cao, quy mô lớn cần đặc biệt thu hút đầu tư, các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế văn hóa ... Các dự án khác đầu tư vào khu kinh tế hiện cũng được miễn tiền thuê đất từ 11 - 19 năm, tùy loại dự án.

Dự thảo Luật tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH trình ra kỳ họp thứ 5 đã chỉnh lý cơ bản nội dung này so với dự thảo Luật trình tại kỳ hợp thứ 4, giảm hợp lý các ưu đãi đất đai, cả về thời hạn và mức ưu đãi theo nguyên tắc không ưu đãi dàn trải mà có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển, phù hợp với định hướng phát triển của các đặc khu.

Mức ưu đãi hợp lý để thu hút được đầu tư nhưng cũng phải tính làm sao để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách đặc khu trong dài hạn nhằm phát huy nội lực. Lấy ví dụ, đa phần dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển được quy định ưu đãi miễn tiền thuê đất 20 năm, chỉ một số dự án mũi nhọn và dự án của nhà đầu tư chiến lược mới được ưu đãi tối đa đến 30 năm, nhưng không quá 1/2 thời hạn sử dụng đất của dự án.

PV: Các ĐBQH ý kiến về chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với đồng loạt các dự án, ít thì 10 năm, nhiều tới 20 - 30 năm, thậm chỉ cá đời dự án. Cảnh báo được đưa ra là chính sách như thế sẽ khuyến khích cho hoạt động đầu cơ, găm giữ đất thay vì đưa đất đai vào sản xuất, kinh doanh?

Ông Uông Chu Lưu: Cảnh báo của ĐBQH là xác đáng. Nhưng ở đây cũng phải thấy rằng, ưu đãi đất đai, kể cả miễn tiền thuê đất cả đời dự án trong một số trường hợp không phải là chính sách mới, và ở đây dự thảo Luật cũng không miễn đồng loạt các dự án mà có trọng tâm, trọng điểm, chỉ những dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu mới được hưởng chính sách này; đồng thời, thời hạn miễn bảo đảm sự vượt trội nhưng không quá cao so với ưu đãi hiện hành đang áp dụng ở các khu kinh tế.

Cơ quan quản lý có quyền cấp đất cho nhà đầu tư để họ hoạt động theo đúng mục tiêu của dự án và phù hợp với quy hoạch của đặc khu. Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng mục tiêu của dự án, không phù hợp với quy hoạch, không thực hiện đúng cam kết của mình thì chính quyền đặc khu có quyền thu hồi lại đất đó, có phải nhà nước cấp đất không điều kiện và nhà đầu tư có quyền chiếm giữ mãi đâu.

Không quá lo lắng về cảnh báo “cuộc đua xuống đáy”

PV: Liên quan chính sách ưu đãi thì mới đây có chuyên gia đưa ra cảnh báo về một "cuộc đua xuống đáy ” diễn ra tại 3 đặc khu sẽ làm hút hết nguồn lực của các nơi khác về đây khiến nhiều địa phương không còn cơ hội phát triển. Lo lắng này có cơ sở không, thưa Phó Chủ tịch?

Ông Uông Chu Lưu: Đây cũng là vấn đề được đặt ra và được các cơ quan cân nhắc trong quá trình soạn thảo dự án Luật này. Theo nguyên tắc thị trường, nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế thì ở đâu có môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách ưu đãi tốt hơn thì sẽ có sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư. Làm đặc khu là theo đúng nguyên lý là “dọn chỗ” để thu hút “phượng hoàng” đến làm tổ.

Cảnh báo về “cuộc đua xuống đáy” không phải không có căn cứ, nhưng theo tôi chúng ta thận trọng, lắng nghe nhưng không phải quá lo về việc đó. Bởi vì thứ nhất, mỗi nhà đầu tư đều có chiến lược, mục tiêu kinh doanh, những tính toán riêng về thị trường, đối tác làm ăn. Nếu họ xem xét khả năng đầu tư ở đặc khu thì ưu đãi đầu tư chỉ là một phần trong những vấn đề họ cần cân nhắc, không phải cứ ưu đãi là các nhà đầu tư đổ xô đến đầu tư ngay đâu.

Thứ hai mỗi đặc khu theo quy định của dự thảo Luật có những ngành, nghề ưu tiên phát triển riêng và chỉ dự án đầu tư trong các ngành, nghề đó mới được hưởng ưu đãi.

Thứ ba, để được chấp thuận đăng ký đầu tư ở đặc khu thì nhà đầu tư phải đảm bảo những điều kiện nhất định như quy mô dự án, khả năng tài chính, lĩnh vực đầu tư, công nghệ áp dụng và chuyển giao... chứ không phải nhà đầu tư nào muốn cũng vào được. Rồi còn phải đáp ứng các điều kiện đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất... thì mới được giao đất, cho thuê đất.

PV: Nhiều đại biểu vẫn không an tâm khi cho rằng, yếu tố then chốt để thu hút đầu tư vào đây là thể chế vượt trội chứ không hẳn là những ưu đãi này khác, thưa ông?

Ông Uông Chu Lưu: Các ý kiến này đúng khi cho rằng cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội đề thu hút đầu tư vào đặc khu không chỉ có các ưu đãi về thuế, đất đai mà thể chế hành chính vượt trội, môi trường đầu tư được cải cách mạnh mẽ, thủ tục hành chính đơn giản, bào đảm thuận tiện, thông thoáng cho nhà đầu tư cùng là những yếu tố rất quan trọng.

Đây cũng là những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý sau kỳ họp thứ 4 để hoàn chỉnh dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng các đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính của các nước để xây dựng các đặc khu của chúng ta có tính cạnh tranh quốc tế.

Nói như vậy để thấy, thể chế vượt trội, cạnh tranh ở đặc khu không chỉ là các ưu đãi mà môi tnrờng đầu tư kinh doanh, bộ máy chính quyền tổ chức tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng rất được chú trọng trong dự thảo Luật.

Giao quyền mạnh mẽ là đột phá

PV: Có ý kiến cho rằng cần một sự giao quyền mạnh mẽ chứ nếu vẫn đặt ra yêu cầu về bộ máy với nhiều tầng nấc giám sát, điều hành sẽ làm tăng thêm họp hành, thêm văn bản, thêm các cấp phải xin ý kiến, chờ duyệt?

Ông Uông Chu Lưu: Nếu nói về giao quyền mạnh mẽ thì đây chính là một đột phá của dự thảo Luật thể hiện ở các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đặc khu. Nhiều thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, các bộ, ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách, đầu tư..., thậm chí một số thẩm quyền của Thủ tướng sẽ được phân quyền cho các cơ quan chính quyền đặc khu, như Chủ tịch UBND đặc khu.

Việc giao quyền mạnh như vậy cho phép chính quyền đặc khu giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư cũng như trong việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở đặc khu.

Các vấn đề thuộc thẩm quyền của tập thể HĐND, UBND đặc khu được quy định rõ và chỉ tập trung vào một số vấn đề lớn, quan trọng nhất của đặc khu, còn hầu hết thẩm quyền quản lý, điều hành được giao cho Chủ tịch UBND đặc khu gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm giải trình trước Nhân dân và cơ quan đại diện dân cử.

Với tổ chức bộ máy nhiều đổi mới, tinh gọn, thẩm quyền, trách nhiệm được xác định rõ, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan chính quyền đặc khu, nhất là người đứng đầu thì sẽ là cơ sở để đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan này, giảm hội họp, các tầng nấc trung gian. Đây cũng là một yêu cầu, một quan điểm chỉ đạo đối với việc xây dựng dự án Luật này. Bộ máy tinh gọn. nhưng phải bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

PV: Với những bước đi như hiện tại thì đã có thể yên tâm với định hưởng vạch ra trong xây dựng đặc khu, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

Ông Uông Chu Lưu: Tất nhiên là còn rất nhiều việc phải làm vì đây là một vấn đề rất mới, không thể nói ngay là một lúc có thể làm được hết mọi việc. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Đề án của Chính phủ về 3 đặc khu đang được trình để xem xét thông qua đồng bộ với từng bước thực hiện rất cụ thể từ nay cho tới 1/1/2019, trong đó những việc gì làm trước, việc gì làm sau đều có trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, kế hoạch của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng 3 đặc khu.

Do đó, tôi tin rằng chúng ta đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng của mình để đón nhận sự ra đời của 3 đặc khu. Đây là vân đề mới, khó, nhiều chính sách đang thử nghiệm, vì vậy cũng phải xác định là vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

PV: Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!./.