* Giải trình công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng

Để có quy hoạch tổng quan và mang tính lâu dài, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần tiến hành rà soát 3 loại rừng, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Mậu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh dẫn chứng về việc số liệu diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trước và sau khi rà soát có sự sai khác nhau, đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải trình, làm rõ.

Trả lời vấn đề này, các đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Có sự khác nhau sau rà soát là dựa trên điều kiện thực tế về diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ngành Nông nghiệp cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng điều chỉnh giảm diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Về giải pháp đảm bảo đời sống cho người trồng rừng, ngành sẽ vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ, chuyển sang lao động phi nông nghiệp.

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện nay, đã cấp được 97,2% đất nông nghiệp, còn hơn 7% chưa cấp được. Trong thời gian tới, còn hơn 2.000ha của các hộ gia đình, cá nhân quy hoạch vào rừng đặc dụng, phòng hộ thì sẽ thực hiện việc thu hồi diện tích, bồi thường cho người dân và cấp giấy sở hữu cho các Ban Quản lý rừng.

Về vấn đề nghiên cứu giải pháp chế biến sâu các loại cây gỗ, Ngành Nông nghiệp đề nghị lãnh đạo các địa phương phối hợp chỉ đạo vì định hướng trồng rừng hiện nay chưa hiệu quả, chủ yếu vẫn khai thác gỗ non nên năng suất, sản lượng, giá trị còn thấp, chủ yếu là ván ép, ván dăm; quy trình trồng rừng gỗ lớn chưa kịp thời, chưa phát triển nhân rộng. Giải pháp trong thời gian tới là hướng đến trồng rừng gỗ lớn cho chất lượng tốt hơn; đánh giá mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng; nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao.

Làm rõ thêm những vướng mắc, bất cập do nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân từ lịch sử để lại trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng trao đổi, thông tin cụ thể về công tác phối hợp giữa tỉnh với các Bộ, Ngành Trung ương nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập đó, nhất là đối với việc quy hoạch 3 loại rừng tại Rừng Quốc gia Tam Đảo và Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc.

Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các diện tích đất rừng và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời, làm rõ. Liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư trên đất rừng, đại biểu Lê Văn Tâm, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình.

Cũng liên quan đến vấn đề quy hoạch 3 loại rừng, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và ngành chức năng chủ quản làm rõ giải pháp đảm bảo đời sống người dân vùng chuyển đổi rừng, rừng sản xuất sang phòng hộ và đặc dụng; kết quả việc thực hiện chính sách phát triển cộng đồng vùng đệm để đồng quản lý khu vực rừng đặc dụng; kết quả thực hiện Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Đối với việc chậm triển khai hoặc triển khai kém hiệu quả những cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan, các ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Tiếp thu các ý kiến tại phiên giải trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch 3 loại rừng. Công tác điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng chưa phê duyệt đã khiến cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, cũng như phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh, sẽ tích hợp được tất cả các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Nếu không hoàn thành sớm sẽ bị ảnh hưởng, giật gấu vá vai; tăng cường quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, nhất là quản lý rừng; sớm có giải pháp xây dựng chính sách đặc thù để nâng cao đời sống người dân trong vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; sớm tập trung chỉ đạo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

* Giải trình việc thực hiện các Đề án, Chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn

Với 70% dân số sống ở nông thôn và hàng loạt các cơ chế, chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai các Đề án, Chương trình, chính sách này còn nhiều vướng mắc, bất cập. Đây là những vấn đề được các đại biểu đề nghị UBND tỉnh và cơ quan chức năng giải trình, làm rõ tại Phiên họp.

Đề cập tới vấn đề tháo gỡ vướng mắc cho Dự án Dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao đã được đề cập tại Phiên chất và trả lời chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào tháng 6/2018, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Tổ đại biểu huyện Định Hóa đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ tiến độ triển khai và nguyên nhân vì sao việc thực hiện Dự án chậm tiến độ.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về xây dựng và quản lý hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu đề ra là toàn diện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, vấn đề năng lực và số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định, kiểm soát giết mổ thiếu. Đặc biệt, hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh, như thành phố Sông Công, huyện Phú Bình đã có các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đăng ký thực hiện xây dựng các cơ sở giết mổ động vật theo quy hoạch, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Trách nhiệm của ngành chức năng là vấn đề cần được làm rõ.

Đặt vấn đề về công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Mai Thị Thúy Nga, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn về tỷ lệ thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn thấp.

Cũng tại phiên giải trình, nhiều nội dung liên quan đến kết quả thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020" và Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi đã được các đại biểu trao đổi, làm rõ.

Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trao đổi, làm rõ thêm kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn và giải pháp để triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tiếp thu kết luận của Thường trực HĐND tỉnh, sẽ bàn bạc tập thể để triển khai. Đồng chí yêu cầu các chính sách phải thực hiện theo quy định của pháp luật; tùy theo điều kiện cụ thể, sẽ có chính sách đặc thù, tránh khuynh hướng chung chung, không hiệu quả.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bùi Xuân Hòa đề nghị UBND tỉnh sớm rà soát những chính sách đã trình HĐND tỉnh, phát triển nông nghiệp phải song hành với các ngành kinh tế khác. Những nhiệm vụ, giải pháp nào chưa phù hợp phải sớm ra chính sách để phát triển. Các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đi sâu vào cơ sở, nhân rộng những mô hình sáng tạo của nông dân, đồng bào dân tộc; hướng đến quy trình sản xuất hàng hóa an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bế mạc phiên họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh khi đặt câu hỏi giải trình; lãnh đạo các sở nắm chắc các vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, huyện nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ để phục vụ nhân dân./.