Nguy cơ tăng phí

Dự thảo nghị định sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ, đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các cơ quan chức năng.

Theo đó, mức lệ phí lần đầu đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ (kể cả lái xe) là 10%. Tuy vậy, dự thảo cũng cho phép các địa phương, căn cứ vào thực tế mà áp dụng mức thu đến 50%. Khi áp dụng mức cao hơn 10% thì phải được HĐND cấp tỉnh của nơi đó quyết định.

phi truoc ba o to tang den 50 tan giac mo xe hop

Hiện tại, lệ phí trước bạ lần đầu áp cho ô tô dưới 10 chỗ, trên toàn quốc, có 2 mức là 10% và 12%, tùy từng địa phương. Tuy nhiên, với "độ mở" khá lớn trong dự thảo của Bộ Tài chính, nếu thành hiện thực, sẽ cho phép các địa phương có thể nâng lệ phí trước bạ với ô tô lên cao, đón đầu thời kỳ giá ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm vào năm 2018.

Theo các DN, vào đầu năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm xuống mức 0%, giá xe có thể giảm 20% so với hiện nay. Sang năm 2018, không ít mẫu xe bình dân nhập khẩu sẽ xuất hiện trên thị trường với mức giá 500 - 600 triệu đồng. Chỉ còn hơn 200 ngày nữa là đến thời điểm này. Tâm lý nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang mong chờ mua được một chiếc xe nhập khẩu với giá rẻ.

Các tính toán cho thấy, một chiếc ô tô có giá bán hiện nay là 700 triệu đồng, sẽ phải chịu lệ phí trước bạ từ 70-84 triệu đồng. Như vậy, chi phí cho chiếc xe này lên đến 770 - 784 triệu đồng. Nếu năm 2018, giá xe giảm 20% như dự báo của các DN, xuống còn 560 triệu đồng, lệ phí trước bạ nộp theo mức hiện nay, chỉ còn 56 - 67,2 triệu đồng, chi phí để sở hữu xe sẽ còn từ 616 - 627,2 triệu đồng, giảm 154 - 158 triệu đồng.

Tuy nhiên, với dự định nâng lệ phí trước bạ lên, sẽ khiến cho chi phí sở hữu ô tô khó có thể giảm. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết, không thể tưởng tượng nổi lệ phí trước bạ với ô tô ở mức 50%. Chiếc xe có giá bán 560 triệu đồng, phải nộp tới 280 triệu đồng lệ phí trước bạ, nâng chi phí lên tới 840 triệu đồng là quá cao.

Theo tính toán của chuyên gia này, sang năm 2018, khi giá xe nhập từ ASEAN về giảm 20%, nếu muốn "giữ" được chi phí sở hữu 1 chiếc ô tô tương đương với thời điểm hiện nay, thì phải điều chỉnh lệ phí trước bạ tăng lên mức 38% mới đủ. Chẳng hạn, cũng chiếc ô tô có giá bán hiện nay là 700 triệu đồng như trên, tới năm 2018 giảm 20%, xuống còn 560 triệu đồng, thì lệ phí trước bạ phải nộp tới 212,8 triệu đồng, cộng lại mới bằng được mức 770 triệu đồng hiện nay.

Với mức 38% được tính toán trên đây cũng là khá cao. Nếu Dự thảo nghị định sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ được thông qua, không biết có địa phương có ý định áp mức này? Chuyên gia này băn khoăn.

Sở hữu ô tô quá đắt đỏ

Tuy nhiên, lệ phí trước bạ không chỉ áp riêng cho xe nhập khẩu từ ASEAN mà còn áp chung với cả xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu từ các thị trường khác.

Với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, năm 2018 nếu kéo được giá bán về ngang bằng với xe nhập khẩu từ ASEAN, thì chi phí sở hữu xe cũng tương đương. Còn bán giá cao hơn, tổng chi phí sẽ cao hơn so với mua xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN.

phi truoc ba o to tang den 50 tan giac mo xe hop

Lệ phí trước bạ tăng cao, sẽ khiến cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các khu vực khác như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...thêm căng thẳng, nhất là các loại xe sang đắt tiền. Một chiếc xe nhập khẩu từ Nhật Bản có giá bán 2 tỷ đồng, hiện đang nộp lệ phí trước bạ từ 200-240 triệu đồng, nếu bị tăng lên mức 50%, sẽ phải nộp 1 tỷ đồng, còn mức 38% thì cũng phải nộp 760 triệu đồng. Xe càng đắt tiền thì số tiền dành để đóng lệ phí trước bạ càng lớn.

Tăng lệ phí trước bạ là điều khó tránh khỏi. Chỉ cần mức lệ phí trước bạ nâng lên trong khoảng 20-30%, thì chi phí để sở hữu ô tô cũng luôn duy trì ở mức cao. Với chiếc xe mua 560 triệu đồng, nếu lệ phí trước bạ ở mức 20%, cũng phải nộp 112 triệu đồng, nâng chi phí lên tới 670 triệu đồng, còn với mức 30%, số lệ phí trước bạ phải nộp tới 168 triệu đồng, nâng chi phí lên tới 728 triệu đồng. Đó còn chưa kể các chi phí khác như phí cấp biển số, phí môi trường...

Kịch bản về ô tô rồi cũng không khác xăng dầu là mấy, khi xăng dầu giảm giá thì sẽ tăng thuế môi trường. Có bán giá rẻ cũng không ăn thua. Trên thị trường vẫn xuất hiện xe giá rẻ, do thuế giảm; nhưng mua xong, muốn lưu hành, phải đóng thêm những khoản phí cao. Tính ra, tổng số tiền chi, để "lên đời xế hộp", cuối cùng vẫn cao, chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, do có độ mở khá lớn, nên các địa phương còn phải "nhìn nhau" mà tăng. Nếu có địa phương nào đó để mức lệ phí trước bạ thấp, nhằm cạnh tranh tăng thu ngân sách, rất có thể sẽ kéo nhiều người mua xe từ nơi khác đổ về đó đăng ký. Như vậy, các địa phương khác không những bị giảm nguồn thu, mà còn phải phải gánh chịu sự quá tải về hạ tầng. Nếu không thể làm chặt được vấn đề xe chính chủ, các địa phương sẽ còn phải "nhìn nhau" để có thể áp mức lệ phí cho phù hợp.