phau thuat thanh cong cho benh nhi 18 gio tuoi bi tac ruot
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 20/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết các bác sỹ Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) mới thực hiện phẫu thuật thành công cứu sống một bệnh nhi sơ sinh bị tắc ruột do teo ruột bẩm sinh.

Đây là một dị tật hiếm gặp với tỷ lệ 1/1.500 trẻ sinh ra.

Bệnh nhi được cứu sống nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các khoa của Trung tâm Sản Nhi trong từng giai đoạn, từ khi mẹ của bé được thăm khám, chẩn đoán trước sinh đến khi thực hiện phẫu thuật lấy thai, tiếp tục chẩn đoán và phẫu thuật cho bệnh nhi.

Chị Trần Thị Tuyết M. (32 tuổi) đã đến siêu âm định kỳ trước sinh vào tuần thai thứ 32 tại Trung tâm Sản Nhi. Thai nhi được chẩn đoán có tắc ruột nghi do teo ruột bẩm sinh.

Chị Trần Thị Tuyết M. tiếp tục được theo dõi cẩn thận và thực hiện khám sàng lọc trước sinh. Khi thai được 38 tuần, chị Trần Thị Tuyết M. được chỉ định phẫu thuật lấy thai.

Em bé ra đời nặng 3kg. Bé có biểu hiện nôn trớ, bụng chướng to nên được bác sỹ sơ sinh thăm khám và ngay lập tức chuyển bệnh nhi đến theo dõi, chăm sóc tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ).

Sau khi tiến hành xét nghiệm, thăm dò chức năng, hội chẩn, các bác sỹ kết luận bệnh nhi bị tắc ruột bẩm sinh nghi do teo ruột, đúng với kết quả siêu âm thai nhi trước đó.

Ngoài chẩn đoán bệnh lý teo ruột, bệnh nhi cũng được thực hiện tầm soát các bệnh lý về sọ não, tim mạch, tiết niệu và các dị tật về chi. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật khi được 18 giờ tuổi.

Thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ), bác sỹ mổ chính cho bệnh nhi, cho biết đây là ca phẫu thuật phức tạp vì là bệnh lý tắc ruột sơ sinh.

Bệnh nhi là trẻ sơ sinh mới được 18 giờ tuổi với cân nặng thấp nên kỹ thuật phẫu thuật và gây mê đòi hỏi tay nghề bác sỹ cùng hệ thống trang thiết bị chuyên dụng.

Ngoài bị teo ruột, bệnh nhi còn gặp thêm hội chứng viêm phúc mạc thời kỳ bào thai, đoạn ruột bị teo nằm ở vị trí rất cao và gần dạ dày, gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển đến chăm sóc, hồi sức tích cực tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng có khá nhiều vấn đề về hô hấp, tuần hoàn, kích thích đau, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt ở trẻ nhỏ... Do đó, việc chăm sóc trẻ được đặc biệt quan tâm để tránh tình trạng nhiễm trùng vết mổ.

Bệnh nhi được chỉ định nằm lồng ấp, điều trị nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn kết hợp sử dụng các loại kháng sinh.

Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhi đã hồi phục khá tốt và được cho ăn sữa qua ống thông dạ dày. Sau 14 ngày từ khi sinh ra, bệnh nhi đã hồi phục và được ra viện./.