phat trien mang luoi kham chua benh bang y hoc co truyen
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương năm 2019. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 7/1 tại Hà Nội, Cục Quản lý Y, Dược (Bộ Y tế) tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển công tác y, dược cổ truyền năm 2020 và Quyết định 1893/QĐ-TTg 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.

Tính đến hết năm 2019, cả nước có 66 bệnh viện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, sáu bệnh viện tuyến Trung ương gồm Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Tuệ Tĩnh và ba bệnh viện của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Đây là các bệnh viện có kỹ thuật cao, có chức năng chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện trong toàn quốc và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hiện có 60 bệnh viện y dược cổ truyền, tăng thêm hai bệnh viện so với năm 2018. Ba tỉnh, thành phố có hai bệnh viện là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… Tuy vậy, cả nước vẫn còn sáu tỉnh, thành phố chưa thành lập được bệnh viện y dược cổ truyền là An Giang, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Đắc Nông, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, các bệnh viện y học cổ truyền phát triển đã góp phần cung cấp dịch vụ y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng về cơ cấu bệnh tật của nhân dân. Tuy nhiên, số giường bệnh của y học cổ truyền còn thấp, chiến 12,01% so với tổng số giường bệnh chung, trong đó tuyến tỉnh chiếm 13%, tuyến huyện chiếm 9,8%.

Bên cạnh sự phát triển của bệnh viện y học cổ truyền, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành lập khoa y học cổ truyền, tổ y học cổ truyền chiếm khoảng 88%, trong đó khoa y học cổ truyền chiếm 63,2%, tổ y học cổ truyền chiếm 24,5%.

Tính đến ngày 28/12/2019, cả nước đã có 83,2% trạm y tế có tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Bên cạnh việc tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, các trạm y tế xã còn tổ chức xây dựng vườn thuốc mẫu, hướng dẫn người dân biết cách sử dụng cây thuốc sẵn có tại địa phương trong phòng và chữa một số bệnh thông thường.

Trong năm 2019, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng nâng cấp bệnh viện y học cổ truyền về trang thiết bị, nhân lực, số giường bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại của người dân.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ khám chữa bệnh y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tại tuyến tỉnh trên tổng số khám bệnh chung chiếm 8,4% (so với 8,86% năm 2018); tuyến huyện 13,8% (so với 8,96% năm 2018) và tuyến xã là 30,3% (so với 28,49% năm 2018)…

Trong năm 2020, ngành y tế tập trung tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển mạnh y dược cổ truyền ; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền.

Ngành đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại so với tổng số người bệnh được khám, chữa bệnh, trong đó tuyến trung ương đạt 10%, tỉnh đạt 20%, huyện 25% và tuyến xã đạt 40%. Bên cạnh đó, đáp ứng đủ dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu thiết yếu và chủ yếu đạt chất lượng theo quy định cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền…

Nhân dịp này, Cục Quản lý Y, Dược đã triển khai nội dung Quyết định 1893/QĐ-TTg 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 đến lãnh đạo các bệnh viện y học cổ truyền trong cả nước.

Với quan điểm y dược cổ truyền là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, Chương trình đề ra mục tiêu phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Đến năm 2030, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền-phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 95% bệnh viện đa khoa, viện có giường bệnh, bệnh viện chuyên khoa có khoa y, dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền./.