Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng và trình Ban Bí thư Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”. Ngày 3/12/2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thông qua Đề án và ban hành Kết luận 61-KL/TW. Sau khi được Ban Bí thư thông qua, Trung ương Hội đã tổ chức hội nghị để phổ biến, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch trong toàn hệ thống; đồng thời, Hội đã gửi văn bản đề nghị với các bộ, ngành và các địa phương cùng phối hợp thực hiện.

Những đóng góp tích cực của các cấp Hội Nông dân góp phần làm cho nông nghiệp,
nông thôn có nhiều đổi mới - Ảnh: PC.


Tính đến nay, Hội đã tổ chức ký kết và thực hiện chương trình phối hợp với 8 bộ, ngành ở Trung ương. Tại các địa phương, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn củng cố kiện toàn 23.500 tổ vay vốn với 549 nghìn thành viên, tại thời điểm 30/11/2014, dư nợ cho vay đạt trên 19.461 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện 15 chương trình ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với gần 65.200 tổ tiết kiệm vay vốn, trên 2,2 triệu thành viên và số tiền dư nợ gần 41.800 tỷ đồng (tại thời điểm 30/11/2014).

Tiếp tục thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Nông dân Việt Nam đã làm việc với các bộ, ngành thống nhất xây dựng Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011- 2020”. Ngay sau đó, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và ban hành Quyết định số 637/QĐ-TTg ngày 10/5/2011.

Từ việc thông qua Đề án đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương đã được cấp bổ sung 400 tỷ đồng và 49 tỉnh, thành Hội được cấp bổ sung 573 tỷ đồng từ ngân sách. Đến nay, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân ở các cấp Hội đạt 1.709 tỷ đồng…

Từ nguồn vốn của Quỹ đã giúp cho 380 nghìn hội viên, nông dân có vốn sản xuất kinh doanh. Nhờ đó hàng nghìn hội viên, nông dân đã thoát nghèo và vươn lên khá giả, nhiều hộ đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi với các mô hình tiêu biểu như: mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo ở Hưng Yên; bưởi da xanh ở Bến Tre; nuôi tôm trong lồng ở Khánh Hòa; Thanh Long ở Bình Thuận; trồng gấc lai ở Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh; nuôi tôm thẻ chân trắng ở Giao Phong, Giao Thủy, Nam Định…

Đánh giá về kết quả thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 637/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: 5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân trong cả nước đã đoàn kết, hăng hái thi đua vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, quan điểm vủa Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vai trò của tổ chức Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.

Cụ thể, trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã triển khai, nâng cấp và xây mới cơ sở đào tạo nghề cho nông dân. Đến nay 28 tỉnh, thành phố xây mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; 19 tỉnh, thành phố đã bố trí biên chế cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân...

Từ năm 2009 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp và trực tiếp tổ chức dạy nghề thường xuyên cho hơn 1 triệu hội viên, nông dân tham gia. Tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 80%.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Trung ương Hội đã tổ chức dạy nghề cho nông dân theo mô hình dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Cụ thể, Trường Trung cấp nghề và 17 Trung tâm Dạy nghề của các tỉnh, thành Hội tổ chức xây dựng được 365 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 72 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Sau khi học nghề nhiều nông dân đã đầu tư vốn, mở mang ngành nghề mới, củng cố các ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao và cải thiện cuộc sống…

Giao thông nội đồng ở Long Khánh (Đồng Nai). Đây là một trong 2 địa phương
cấp huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh: CPV

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội, phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, cụ thể là thời gian qua hội viên, nông dân cả nước đã hiến hàng nghìn m2 đất và 2000 tỷ đồng, 40 triệu ngày công để làm mới và sửa chữa gần 550 nghìn km đường giao thông và kênh mương nội đồng. Tính đến hết năm 2014, cả nước có 785 xã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được 5 năm qua đã cho thấy Đề án Hội Nông dân, Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân; nâng cao vị thế, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Theo Báo điện tử ĐCSVN