Nắm chắc, tham mưu trúng

Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, cùng với Đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác QP, QS tại một số bộ, ngành, chúng tôi có dịp hiểu rõ hơn về sự vào cuộc của cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức… đối với công tác mang tính đặc thù như QP, QS.

Chúng tôi khá bất ngờ về kết quả kiểm tra nhận thức về quốc phòng và an ninh (QPAN) của đội ngũ cán bộ chủ chốt Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các học viện, nhà trường, đơn vị trực thuộc. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, 100% cán bộ có nhận thức tốt; lực lượng tự vệ nắm chắc lý thuyết và hoàn thành tốt các nội dung kiểm tra về quân sự. Bên cạnh đó, hệ thống sổ sách, văn kiện về QP, QS đều thống nhất, đúng quy định. Tương tự như vậy, khi kiểm tra ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị thành viên, chất lượng kiểm tra ở các nội dung khá đồng đều. Điều đó, phản ánh phần nào sự vào cuộc tích cực, thường xuyên của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

phat huy vai tro cua cac bo nganh trong thuc hien nhiem vu quoc phong
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng kiểm tra hệ thống văn kiện về công tác quốc phòng, quân sự tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Chỉ huy trưởng Ban CHQS Bộ KH&ĐT nêu kinh nghiệm: “Muốn tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương sát, đúng các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải có nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quốc phòng để từ đó làm tốt công tác tham mưu và tổ chức thực hiện đúng quy định. Hằng năm, ban cán sự Đảng, cấp ủy các cấp đều có kế hoạch cho đội ngũ cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN theo quy định”. Quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác QP, QS, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách sát, đúng, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

Gắn phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh

Trao đổi với Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng tham mưu)-Thủ trưởng Cơ quan Thường trực công tác quốc phòng (Bộ Quốc phòng) ở bộ, ngành Trung ương, địa phương, chúng tôi được biết: Những năm qua, các bộ, ngành Trung ương đã quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác QP, QS, đạt kết quả khá toàn diện. Nổi bật là việc kiện toàn hội đồng giáo dục QPAN các cấp. Hội đồng giáo dục QPAN các cấp đều bố trí đúng, đủ thành phần; có quy chế, kế hoạch hoạt động cụ thể, phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về công tác QS, QP. Ban CHQS các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các tổ chức đã chủ động tham mư­u cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cùng cấp kịp thời ban hành các văn bản theo thẩm quyền để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng. Nét nổi bật là quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, các bộ, ngành và địa phương đã chú trọng kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, quy hoạch, dự án trong từng lĩnh vực, bảo đảm vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), vừa tăng cường QPAN; đồng thời thường xuyên luyện tập các phương án để kịp thời hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với thực tế. Công tác xây dựng, huấn luyện, hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách cho tự vệ của từng bộ, ngành có chuyển biến tích cực; việc kiện toàn ban CHQS được thực hiện thường xuyên. Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể của các bộ, ngành, địa phương luôn có sự kết hợp giữa phát triển KT-XH với tăng cường, củng cố QPAN và đối ngoại.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ QS, QP ở các bộ, ngành góp phần quan trọng củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác quốc phòng của các bộ, ngành Trung ương còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng chưa đồng bộ; một số cán bộ chủ trì nhận thức về công tác quốc phòng chưa đầy đủ. Ban CHQS một số bộ, ngành chưa phát huy hết vai trò tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu về công tác này; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quân sự nhìn chung còn bất cập; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với cơ quan quân sự địa phương chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; công tác đăng ký, quản lý nguồn dự bị động viên, sắp xếp lực lượng, vũ khí, trang bị và phương tiện vào các đơn vị động viên có nơi thực hiện chưa thật tốt.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quốc phòng, quân sự

Công tác quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt công tác quốc phòng, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác QP, QS. Trong đó, chú trọng quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QPAN trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa X về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thực hiện tốt công tác giáo dục QPAN và các chương trình, dự án, đề án, lập quy hoạch, kế hoạch bảo đảm cho nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH, kết hợp với củng cố, tăng cường QPAN; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hiện pháp luật về công tác QP, QS nói chung, đồng thời chấn chỉnh những khuyết điểm, hạn chế của cấp dưới thuộc quyền. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm bảo đảm ngân sách đối với sự nghiệp quốc phòng, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách xã hội có liên quan đến công tác quốc phòng theo quy định của pháp luật.