phat huy hieu qua nguon von chuong trinh 135

Từ nguồn vốn của Chương trình 135, xóm Đầm Mương 14 đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa với tổng kinh phí 550 triệu đồng.

Trở lại xã Minh Đức những ngày cuối tháng 12-2017, có dịp đi qua những vườn cây ăn quả sai lúc lỉu ở xóm Thuận Đức, những đồi chè xanh mướt mắt ở xóm Lầy 5, chúng tôi mới cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi. Ông Hoàng Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Đức thông tin: Năm 2016, xã Minh Đức có 3 xóm thuộc diện 135 là Thuận Đức, Lầy 5 và Chằm 7A. Đến năm 2017, có thêm 3 xóm là Tân Lập, Đầm Mương 14 và Đầm Mương 15. Nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các dự án, chương trình mục tiêu Quốc gia cùng với ý thức vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của xã được thực hiện hiệu quả. Riêng đối với Chương trình 135, năm 2016-2017, xã Minh Đức được hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng. Để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn này, xã đã căn cứ vào thực tế ở từng xóm, qua đó tổ chức họp dân để quyết định hạng mục, nội dung cần đầu tư. Từ mong muốn, nhu cầu của bà con, UBND xã trình lên cấp trên có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Trong quá trình triển khai, xã cũng thành lập ban giám sát, mọi thông tin của các công trình, dự án đều được công khai, minh bạch. Sau khi hoàn thành, xã sẽ bàn giao lại cho xóm quản lý, sử dụng, nhờ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân.

Xác định hạ tầng nông thôn còn khó khăn, xã đã ưu tiên bố trí nguồn vốn này để các xóm làm đường giao thông nông thôn và xây dựng một số công trình công cộng. Chỉ tính trong 2 năm gần đây, xã đã làm được gần 10km đường giao thông các loại, xây dựng 1 cầu tràn xóm Tân Lập, xây mới 1 nhà văn hóa, cứng hóa hơn 2km kênh mương nội đồng… Dẫn chúng tôi đi thăm nhà văn hóa đang hoàn thiện, ông Lại Văn Sìn, Trưởng xóm Đầm Mương 14 cho biết: Ở xóm Đầm Mương 14, đa số người dân là dân tộc Sán Dìu nên cuộc sống còn rất khó khăn, nếu để bà con tự lực đóng góp xây dựng nhà văn hóa khang trang, đạt tiêu chí nông thôn mới là điều không dễ dàng. Bởi thế, 80 hộ dân trong xóm đã thống nhất sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trong năm 2017-2018 là 400 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa mới. Theo đó, nhà văn hóa được xây dựng với diện tích 143m2, quy mô 150 chỗ ngồi, tổng kinh phí là 550 triệu đồng. Hiện nay, công trình đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2018, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tập thể của người dân.

Cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xã còn tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua các mô hình sản xuất. Theo đó, người dân được lựa chọn hỗ trợ là những hộ nghèo, cận nghèo và đều có điều kiện phát triển sản xuất như: diện tích trồng chè, trồng cây ăn quả, chuồng trại… Các hộ này sẽ được xã định hướng thành lập các nhóm có chung mục đích rồi thống nhất nội dung cần được đầu tư. Trong quá trình thực hiện, các hộ sẽ tự giám sát lẫn nhau để việc sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất. Cụ thể, năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất là 150 triệu đồng, xã đã hỗ trợ 53 hộ dân phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc khoảng 10ha chè.

Ông Nguyễn Văn Quyết, xóm Lầy 5 cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ hơn 3 tạ phân bón và một số loại thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi còn được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn trồng, chăm sóc chè. Từ nguồn hỗ trợ này, cùng với việc tận dụng những lợi thế về đất đai, nguồn lao động, gia đình tôi đã tích cực nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất chè. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và chủ động đăng ký tham gia mô hình sản xuất chè VietGAP của xóm với diện tích 1,5ha.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân sản xuất, năm 2017, 59 hộ thuộc 4 xóm: Thuận Đức, Lầy 5, Chằm 7A, Tân Lập sẽ được hỗ trợ 51 máy hút nước, 25 bình phun thuốc sâu, 8 máy cắt cỏ và 7 tôn sao chè với tổng kinh phí 178 triệu đồng. Hiện nay, địa phương đã hoàn thành việc khảo sát và tiến hành cung cấp máy móc, thiết bị để người dân sản xuất.

Chương trình 135 được triển khai trên địa bàn xã Minh Đức đã phát huy hiệu quả và góp phần cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng cũng như đời sống của bà con nhân dân. Đặc biệt, các hộ nghèo và cận nghèo đã được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, những cây con giống mới, từng bước thoát nghèo. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 6% (năm 2016 là 12%); thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm (năm 2016 là 28 triệu đồng); hệ thống điện, đường, trường, trạm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu; thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới xã đã đạt 15/19 tiêu chí… Ông Hoàng Văn Hùng cho biết thêm, để tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 135, thời gian tới, xã sẽ linh động lồng ghép với các nguồn vốn khác, góp phần làm thay đổi hạ tầng nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.