Hiện tượng Macron

Cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trong năm 2017 do Viện Nghiên cứu dư luận Pháp – IFOP tiến hành, mang lại một thông tin không bất ngờ: 54% dân chúng Pháp được hỏi trong tháng 12 đánh giá ông Emmanuel Macron là một Tổng thống tốt. Đây là tháng thứ hai liên tiếp uy tín ông Macron tăng cao trong dân chúng Pháp và có lẽ cũng sẽ không phải tháng cuối cùng.

phap 2017 cai cach dat nuoc khong the cai cach
Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP

Dù Phủ Tổng thống Pháp luôn từ chối đưa ra mọi bình luận về những cuộc thăm dò, nhưng tự thân những con số đã nói lên điều quan trọng nhất: dân Pháp đang dần dần bị thuyết phục bởi phong cách cũng như hiệu quả làm việc của ông Macron.

Đó không phải là việc đơn giản. Trong Hè 2017, uy tín của ông Macron tụt dốc không phanh, sau các tranh cãi quanh dự thảo cải cách Luật lao động, việc cắt giảm ngân sách địa phương và cả phong cách lãnh đạo đầy sự áp đặt, thể hiện qua sự cố với cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp, Pierre de Villiers.

Sự tụt dốc đó đã làm xuất hiện những so sánh quen thuộc: trong Nền cộng hoà thứ 5 của Pháp, các Tổng thống luôn có uy tín cao nhất khi mới được bầu nhưng một khi uy tín bắt đầu sụt giảm thì không một ai đủ sức đảo ngược lại đồ thị.

Nhưng ông Macron đã làm được. Từ 62% tháng 5/2017, xuống tầm 40% trong tháng 9 nhưng rồi dần dần tăng trở lại ở mức 54% trong tháng 12. Trên thực tế thì dường như trong năm 2017, người dân Pháp đã bắt đầu dần quen với những điều vốn rất khó tưởng tượng.

Việc ông Emmanuel Macron, một chính trị gia trẻ mới 39 tuổi và hơn 2 năm trước gần như còn vô danh trên chính trường, bất ngờ đạp đổ thế lưỡng cực tả-hữu tồn tại nửa thế kỷ qua trên chính trường Pháp, có thể coi là một cơn địa chấn chính trị lớn nhất tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua.

Dư chấn của biến động này còn lớn đến mức giờ đây đang đe doạ xoá bỏ sự tồn tại của một đảng truyền thống lâu đời hơn 1 thế kỷ- đảng Xã hội (PS), cũng như biến cánh hữu (đảng Những người Cộng hoà – LR) trở thành một chính đảng nhỏ bé và yếu ớt.

Và cũng vì sự xuất hiện rất khó tưởng tượng đó của ông Macron trên cương vị Tổng thống, lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ qua, các thăm dò dư luận ghi nhận: người dân Pháp bắt đầu tin rằng đất nước họ thực sự có thể cải cách một cách nghiêm túc.

Khó có thể nói hết ý nghĩa của điều này nếu như biết rằng bao lâu nay, người dân Pháp vẫn tự giễu rằng họ là đất nước “không thể cải cách” và bao đời chính phủ Pháp những năm qua cũng hầu hết là thất bại khi có ý định thực hiện những cải cách quan trọng.

Ông Macron đã và đang làm đúng như những gì đã hứa khi tranh cử, đó là cải cách một cách quyết liệt bằng cách phá bỏ ranh giới đảng phái và thậm chí phá bỏ cả những điều vốn từng coi là cấm kị trước đây trong mô hình xã hội Pháp.

Đây là lí do chính cho việc người dân Pháp chuyển từ hoài nghi và dị ứng với ông Macron trong Hè, nay đã quay lại ủng hộ. Chứ không hẳn là từ các chính sách cải cách, mà hiệu quả luôn có độ trễ từ ít nhất 1 đến 2 năm.

Đối lập gần như không tồn tại

Những đối thủ chính trị của ông Macron đã hy vọng tháng 9/2017 sẽ là khởi điểm cho hành trình lao dốc của chính quyền Macron-Philippe. Và vũ khí được lựa chọn là các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn với mục đích làm tê liệt các thành phố và buộc chính phủ từ bỏ cải cách Luật lao động.

Nhưng dưới sự dẫn dắt của ông Jean-Luc Mélenchon, ý định này đã thất bại. Các cuộc biểu tình ngày càng ít người tham gia và trôi qua nhanh chóng mà không để lại tiếng vang. Nguyên nhân là do người Pháp có vẻ đã quá mệt mỏi với các cuộc biểu tình và vì họ cũng nhận ra rằng đã đến lúc nước Pháp cần những thay đổi triệt để.

Cải cách Luật lao động được thông qua. Đến tháng 10, Luật an ninh mới ra đời và tiếp theo, các tranh cãi quanh dự thảo Ngân sách, ban đầu bị đánh giá là “bom nổ chậm” với chính quyền mới, cũng xẹp đi nhanh chóng.

Với sự ủng hộ của đảng “Nền cộng hoà tiến bước” (LREM) do mình lập ra đang chiếm đa số trong Quốc hội, cộng thêm uy tín lên cao dần trong dân chúng Pháp, những tháng cuối năm 2017 thực sự là thời gian mà ông Macron có thể hành động thoải mái mà hầu như không bị cản trở.

Bản chất, thực ra, là vì các phe phái đối lập gần như không tồn tại, hay chính xác là tồn tại một cách mờ nhạt. Bên cánh tả, đảng Xã hội phải bán cả trụ sở và lao vào cuộc đấu tranh để tồn tại. Bên cánh hữu, việc xây dựng lại đội ngũ và bầu lại Chủ tịch đảng thay vì củng cố sự đoàn kết thì lại gây thêm chia rẽ.

Mọi thứ còn tệ hại hơn với đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống là bà Marine Le Pen và đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN). Bẽ bàng vì màn thể hiện kém cỏi đến mức không thể chấp nhận nổi trong phiên tranh luận bầu cử, bà Marine Le Pen gần như vô hình trên truyền thông trong một thời gian dài. Nội bộ FN cũng sứt mẻ nghiêm trọng với sự ra đi của nhân vật số 2, và cũng là chiến lược gia của đảng, Florian Philippot.

Không một nhân vật nào đủ sức nổi lên thách thức ông Macron. Người được nhắc đến nhiều nhất là ông Jean-Luc Mélenchon thì sau thất bại trong việc huy động biểu tình phản đối cải cách luật lao động, cũng không còn giữ được xung lực đến từ sau cuộc bầu cử Tổng thống.

Ở thời điểm hiện tại, ông Macron đang lấn át mọi nhân vật trên chính trường Pháp, cả các đồng minh lẫn các đối thủ chính trị. Và mối quan tâm hiện nay bên phía các đảng đối lập không phải là thách thức ông Macron ra sao, mà là tìm ra ai mới được coi là nhân vật đối lập chính với ông Macron.

Đối ngoại xuất sắc

Trong những gì ông Macron làm được trong 7 tháng cầm quyền, đối ngoại là thành công lớn nhất. Là một chính trị gia trẻ, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm ngoại giao quốc tế nhưng ông Macron đã thể hiện vai trò người đứng đầu nước Pháp một cách ấn tượng.

Từ việc đón tiếp và thắt chặt quan hệ với nguyên thủ các cường quốc như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel… cho đến việc đứng ra làm trung gian hoà giải cho các xung đột quốc tế lớn, từ Lybia, vùng Vịnh, chống khủng bố ở Nam Sahara cho đến xung đột Israel-Palestine, ông Macron đều để lại dấu ấn.

Trên phạm vi Liên minh châu Âu, ông Macron cũng đang nổi lên như là lá cờ đầu dẫn dắt công cuộc cải tổ sâu rộng khối này, khi đưa ra bản kế hoạch cải cách cuối tháng 9/2017, đồng thời thúc đẩy để châu Âu tiến bước dài đến việc thành lập quân đội chung thông qua cơ chế Hợp tác quốc phòng thường xuyên PESCO.

Và cuối cùng, ông Macron còn nổi bật trong cả lĩnh vực ngoại giao khí hậu với việc tổ chức Thượng đỉnh “Một hành tinh” hôm 12/12 tại Paris. Tất cả những hoạt động này đã đưa nước Pháp trở lại chiếm giữ một vai trò quan trọng trên chính trường quốc tế, ở vị trí mà nước Pháp vẫn luôn cho rằng họ làm tốt nhất – đó là trung gian hoà giải các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế.

Lý do mang đến các thành công này là một cách tiếp cận mới, rất khác so với thời Sarkozy và Hollande: chủ động đưa ra và thúc đẩy các sáng kiến, đôi khi rất táo bạo. Đó còn là việc thực thi một chính sách ngoại giao rất thực dụng, điển hình trong lĩnh vực khí hậu. Ngoài ra, phong cách cá nhân cũng giúp ích cho ông Macron bởi Tổng thống Pháp có sức thu hút của một lãnh đạo rất trẻ cấp tiến, cộng thêm tư duy rất coi trọng truyền thông hình ảnh của bản thân cũng như của các đối tác.

Thách thức 2018

Việc ngày càng có nhiều người dân Pháp hiện nay ủng hộ ông Macron cho thấy chính quyền của ông Macron đang đi đúng hướng. Có nhiều chỉ số mang lại sự lạc quan, dù rất thận trọng: tăng trưởng kinh tế bắt đầu quay lại ở mức 1,8%-2%, tỷ lệ thất nghiệp những tháng cuối năm 2017 giảm mạnh.

Đây là những bước đệm quan trọng để chính quyền của ông Macron bước vào năm 2018 với lộ trình cải cách sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực, đầu tiên là giáo dục, tiếp đến là kiểm soát chế độ cho lao động thất nghiệp và siết chặt chính sách nhập cư.

Thách thức về mặt đối nội với ông Macron trong năm 2018 có thể sẽ lớn hơn một chút so với nửa cuối năm 2017 khi các đảng phái hoàn tất việc tái cấu trúc nội. Tuy nhiên, thách thức này không nhiều và chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe cũng đang hoạt động hiệu quả và kỷ luật hơn nhiều so với thời ông Hollande.

Về mặt đối ngoại, năm 2018 sẽ là năm mà nước Pháp và ông Macron sẽ đẩy mạnh quyết liệt việc cải tổ Liên minh châu Âu. Hiện tại, sự chuẩn bị từ phía Pháp đã hoàn tất, chỉ còn chờ bà Angela Merkel thu xếp ổn thoả nội bộ chính trường Đức.

Đây là một kế hoạch nhiều tham vọng trong đó ông Macron và bà Merkel là những hạt nhân lãnh đạo và nếu thành công, vai trò của nước Pháp ở vị thế dẫn đầu châu Âu sẽ ngày càng được củng cố mạnh hơn, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh sau khi nước Anh rời bỏ khối./.