Tòa án Tối cao Mỹ hôm qua (26/6) ra phán quyết cho phép triển khai một phần sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng thời chấp thuận lắng nghe các lập luận từ phía chính quyền Mỹ.

Đây được xem là chiến thắng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong “cuộc chiến tư pháp” liên quan tới sắc lệnh hạn chế nhập cảnh nêu trên.

phan ung trai chieu khi my khoi phuc mot phan lenh cam nhap cu

Những người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Lý giải cho quyết định này, Tòa án Tối cao cho biết, Chính phủ Mỹ có nhu cầu cấp bách phải cung cấp an ninh cho nước Mỹ, bao gồm cả việc đóng cửa biên giới dựa trên sự đánh giá của các nguy cơ từ bên ngoài, ít nhất từ bây giờ.

Do đó, tòa án sẽ cho phép triển khai một số nội dung của sắc lệnh hạn chế nhập cảnh, bao gồm việc đình chỉ nhập cảnh 120 ngày vào Mỹ “đối với những cá nhân nước ngoài không chứng minh được quan hệ hợp pháp với một công dân hoặc một thực thể tại Mỹ”.

Tòa án sẽ tiến hành phiên lắng nghe các lập luận từ phía chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ tới của tòa án, theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào tháng 10, trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan tới sắc lệnh này. Phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ ngay lập tức vấp phải sự phản hồi trái ngược từ phía xã hội Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng hoan nghênh động thái trên của tòa án. Trong một tuyên bố được Nhà Trắng đăng tải, ông Donald Trump nhấn mạnh quyết định nói trên của Tòa án Tối cao là một chiến thắng rõ rệt đối với an ninh quốc gia. Ông Donald Trump gọi quyết định này như một công cụ giúp ông có thể bảo vệ nước Mỹ một cách hiệu quả.

“Trách nhiệm lớn lao của tôi là phải bảo vệ sự an toàn cho người dân Mỹ. Phán quyết của tòa án là một công cụ quan trọng giúp tôi bảo vệ nước Mỹ. Tôi cực kỳ hài lòng về phán quyết của tòa án”, ông Donald Trump nói.

Trong khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions thì cho rằng, nguy cơ an ninh quốc gia Mỹ là có thực và đang ngày càng nguy hiểm. Phán quyết của tòa án là bước đi quan trọng hướng đến việc khắc phục tình trạng cát cứ quyền lực giữa các nhánh quyền lực của Chính phủ liên bang.

Sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra quyết định nói trên, Bộ An ninh Nội địa nước này khẳng định sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của chính quyền Donald Trump một cách hiệu quả và công khai.

Phe phản đối thì lại kịch liệt lên án quyết định của tòa án. Chủ tịch Ủy ban Giải cứu quốc tế (IRC) David Miliband đã kêu gọi Chính phủ Mỹ nhanh chóng đánh giá lại tiến trình hiệu chỉnh sắc lệnh trên. Theo ông Miliband, quyết định của tòa án đe dọa làm tổn hại những người người dễ bị tổn thương khi đang chờ đợi để được vào Mỹ.

Chia sẻ quan điểm với Chủ tịch Ủy ban Giải cứu quốc tế, Giám đốc Truyền thông Cơ quan hỗ trợ nhân đạo Mỹ Kim Poazniak nhấn mạnh: “Nước Mỹ là một quốc gia kiểu mẫu, một quốc gia tiên phong mà các quốc gia khác phải nhìn vào xét trên phương diện tiếp nhận người nhập cư và sự hỗ trợ của Mỹ đối với những người cần được hỗ trợ. Vì vậy tôi cho rằng lệnh hạn chế nhập cư là một biểu tượng đối ngược. Nước Mỹ nên đi đầu trong nỗ lực tiếp nhận người tị nạn và nhập cư đúng như lịch sử của nước Mỹ”.

Yemen, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng từ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tòa án Tối cao. Một quan chức thuộc Bộ Các vấn đề về người định cư ở nước ngoài của Yemen, ông Ahmed al-Nasi cho rằng quyết định trên sẽ không giúp ích trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, trái lại nó sẽ khiến những nước Hồi giáo có liên quan cảm thấy họ đang trở thành mục tiêu.

Sắc lệnh hạn chế nhập cư được Tổng thống Donald Trump ký hôm 6/3 cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày và đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày.

Sắc lệnh này được đánh giá là có nhiều điều chỉnh “mềm mỏng” hơn so với sắc lệnh cũ công bố hồi cuối tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, giới chức Tư pháp các bang của Mỹ cho rằng, dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định. Nhiều tòa án tại Mỹ đã liên tiếp ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai sắc lệnh trên./.