Tổng thống Nga Putin đang có chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày tới Ấn Độ, (ngày 4-5/10) với trọng tâm là các thỏa thuận quốc phòng Nga-Ấn Độ. Chuyến thăm này đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Nga và Ấn Độ.

phan ung cua my khi an do va nga ky thoa thuan mua ban rong lua s 400
Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Sputnik.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hướng quốc gia của mình đi theo con đường riêng, không phụ thuộc vào Mỹ, thậm chí ngay cả khi tập đoàn Lockheed Martin đã ký thỏa thuận quốc phòng lâu dài với Tập đoàn Tara của Ấn Độ về chế tạo cánh cho máy bay trực thăng C-130 Hercules. Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty quốc phòng Nga, Ấn Độ dường như vẫn muốn tiếp cận với thị trường vũ khí của Nga.

Thỏa thuận quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ

Nga và Ấn Độ có quan hệ hợp tác quốc phòng lâu dài. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nhà thầu quân sự của Nga thậm chí còn khăng khít và sâu rộng hơn so với các nhà thầu Mỹ. Tờ Economic Times cho biết, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua 5 tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh song phương Nga-Ấn lần thứ 19 tại Nhà khách chính phủ Hyderabad ở thủ đô New Delhi ngày 5/10. Việc chuyển giao 5 tổ hợp S-400 sẽ bắt đầu vào tháng 10/2020. Điện Kremlin cho biết đây là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Ấn Độ. Thương vụ này từng được lãnh đạo hai nước nhất trí vào tháng 10/2016. Truyền thông Ấn Độ đánh giá, việc thực hiện thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD này là rất khả thi bởi hiện tại, Ấn Độ đã được miễn trừ khỏi Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) và có thể tiếp tục mua sắm thiết bị quân sự từ Nga.

Hệ thống S-400 Triumf do Nga chế tạo, còn được biết đến với cái tên khác SA-21 Growler theo cách gọi của NATO, là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa. Nó được cho là hoạt động hiệu quả hơn Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. S-400 là hệ thống di động có thể triển khai trong vòng 5 phút, và có khả năng bắn ba loại tên lửa để tạo ra một lớp bảo vệ. Nó có thể theo dõi đồng thời 100 mục tiêu trên không, trong đó có những loại siêu tiêm kích như-35 và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.

Mỹ "ngậm bồ hòn làm ngọt"

Mỹ luôn nhận thức rõ rằng nước này không thể trừng phạt Ấn Độ vì thỏa thuận mua bán S-400, bởi Mỹ luôn xem Ấn Độ là một đối tác quan trọng và đáng tin cậy mà nước này không muốn đánh mất. Điều đó được thể hiện qua việc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề nghị Thượng viện miễn trừ Ấn Độ khỏi đạo luật CAATSA. Còn Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho biết, Ấn Độ đang tạo ra một “cơ hội chiến lược” cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Các thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng từ mức gần bằng 0 tới 15 tỷ USD kể từ năm 2008 đến nay và nhà sản xuất vũ khí Tata Advanced Systems của Ấn Độ được xem là một đối tác chủ chốt của Mỹ. Tên lửa Harpoon, các loại máy bay trực thăng Apache và Chinook của Mỹ đều được sản xuất một phần tại Ấn Độ. Trong khi đó, các tập đoàn Lockheed Martin và Boeing của Mỹ đều không muốn đánh mất Ấn Độ chỉ vì Nga.

Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng, Mỹ nhiều khả năng sẽ không tìm cách cản trở việc thực thi thỏa thuận mua bán S-400 giữa Nga và Ấn Độ, qua việc phát động cuộc chiến thương mại với Ấn Độ.

Vấn đề thương mại lớn nhất với Ấn Độ là các công ty IT của nước này đang được phép cử nhân viên tới Mỹ làm việc theo diện thị thực H1-B. Tuy nhiên, Mỹ đang mạnh tay siết chặt việc cấp H1-B cho lao động Ấn Độ sau khi phát hiện một số sai phạm từ phía các công ty Ấn Độ chẳng hạn như Infosys. Ước tính, các công ty IT của Ấn Độ đang chiếm số lượng nhiều nhất trên tổng số 80.000 thị thực H1-B được cấp mỗi năm. Hồi tháng 9/2018, tờ Economic Times dẫn thông tin từ một số quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ vẫn đang thảo luận các vấn đề thương mại song phương với phía Mỹ trong khuôn khổ “gói thương mại” mà cả hai bên cùng quan tâm, tuy nhiên không có thỏa thuận thương mại riêng biệt nào được xem xét.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Ấn Độ rất quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận thương mại với phía Mỹ và Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Kenneth Juster luôn kêu gọi hai bên đàm phán về một thỏa thuận tương mại tự do. Căn cứ vào các thông tin do Công ty nghiên cứu Panjiva cung cấp, thặng dự thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ trong năm tài khóa năm 2017, kết thúc vào ngày 13/7/2018 là 22,6 tỷ USD. Thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn duy trì bất chấp lượng xuất khẩu hàng hóa Mỹ tới Ấn Độ tăng 21,2% và mức nhập khẩu của Ấn Độ tăng hơn 10%.

Một lý do khác khiến Mỹ không thể quay lưng với Ấn Độ là dầu mỏ. Ấn Độ đến nay vẫn là thị trường tiêu thụ dầu mỏ đầy tiềm năng của Mỹ. Hồi tháng 8/2018, lượng xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ sang Ấn Độ đã tăng hơn 20%. Mỹ hiện giờ là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, và là đối thủ chính của Nga-quốc gia không thuộc OPEC.

Trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, Mỹ có thể đánh bại Nga trên thị trường Châu Âu, nhưng với Ấn Độ đó là một câu chuyện khác. Bởi Ấn Độ là một thị trường đang phát triển và luôn có chỗ cho sự tăng trưởng. Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Nga ngày càng trở nên gắn bó thì việc Mỹ phát động cuộc chiến về chính trị và thương mại với Nga trên đất Ấn Độ sẽ là một ý tưởng tồi./.