Tiến sĩ Lê Văn Giảng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nói như vậy, khi trao đổi với báo chí về chủ đề 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Lê Văn Giảng

Thưa ông, qua thực hiện nhiệm vụ kiểm tra của Đảng, ông đánh giá thế nào về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay?

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc hoạt động của Đảng. Nhưng, qua việc đánh giá tại các đại hội và một số hội nghị trung ương của Đảng, thì vấn đề phê bình và tự phê bình trong Đảng còn nhiều hạn chế.

Nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng ở nhiều nơi còn chưa được tôn trọng, thậm chí có vi phạm (nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất, tự phê bình, phê bình); hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dân chủ hình thức, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu.

Đánh giá trên là dựa vào căn cứ nào, thưa ông?

Cách đây đúng 10 năm, kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) đã có nghị quyết, đồng thời phát động cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Tôi được biết, để chuẩn bị nội dung cho hội nghị, Trung ương đã thành lập một tiểu ban xây dựng đề án này, nòng cốt là Ban Tổ chức Trung ương, với sự tham gia của cán bộ một số ban, ngành khác.

Tiểu ban đã có những cuộc khảo sát, làm việc với cấp ủy các cấp, sau đó tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đánh giá về thực trạng tổ chức Đảng, đảng viên khá công phu. Chính trên cơ sở khảo sát và đánh giá đó, Trung ương có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2).

Thực tế hiện nay, tính tự giác trong tự phê bình và phê bình vẫn còn nhiều hạn chế.

Khen nhau là chủ yếu

Thưa ông, hiện nay, tỷ lệ các vụ tiêu cực, tham nhũng do tự phê bình và phê bình phát hiện có nhiều không?

Hai năm, 11 ủy viên trung ương Đảng bị kỷ luật

Theo TTXVN, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), tại buổi lễ mít tinh kỷ niệm 109 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thay mặt Trung ương Đảng phát động Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cuộc vận động này tiến hành trong hai năm từ 19/5/1999 đến 19/5/2001, mà nội dung cơ bản mang tính đột phá là thực hiện tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên.

Sau hai năm tiến hành cuộc vận động, có 53 cán bộ do Trung ương quản lý, trong đó có 11 ủy viên trung ương Đảng bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo và cho rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương một ủy viên.

Ở 61 tỉnh, thành phố và 10 đảng bộ khối cơ quan trung ương có 19.029 đảng viên bị kỷ luật; trong đó có 2.192 bị cách chức, 2.893 bị khai trừ.

Trên thực tế những vụ việc tham nhũng tiêu cực được đưa ra ánh sáng từ sự đấu tranh, phê bình và tự phê bình của cán bộ đảng viên còn ít. Số đảng viên tự giác nhận có vi phạm càng hiếm. Thực tế, nhiều đảng viên trong tổ chức phát hiện tham nhũng, tiêu cực nhưng ít khi dám nêu ra, do người có khuyết điểm, vi phạm thường là người có chức, có quyền.

Sao lại có tình trạng đó, thưa ông?

Thứ nhất, có thể mới chỉ nghe là có sự việc đó nhưng chưa có chứng cứ;

Thứ hai, kể cả có chứng cứ nhưng e ngại, vì sợ không biết nói ra có được cái gì không, có tác dụng gì không, không khéo lại rước họa. Nhất là những nơi thực hiện dân chủ chưa cao, cán bộ lãnh đạo lại độc đoán, chuyên quyền. Nên người tố cáo sợ bị trả thù, chèn ép.Vì thế có tình trạng chỉ khen nhau là chủ yếu.

Hiện nay tại nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chủ trương nhất thể hóa, thủ trưởng đơn vị đồng thời là lãnh đạo tổ chức Đảng. Việc tập trung quyền lực vào một người khiến đảng viên ngại đấu tranh, phê bình?

Theo hướng dẫn của Trung ương thì nơi nào có điều kiện (chọn được cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức...) thì một người có thể đảm nhiệm hai vị trí (thủ trưởng cơ quan là bí thư cấp ủy). Đó là chủ trương của Đảng, nhằm tạo thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan.

Tuy nhiên, mặt trái của việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo đó là, nếu rơi vào người năng lực kém, phẩm chất đạo đức không tốt thì rất nguy hiểm, dễ xảy ra độc đoán, chuyên quyền. Theo tôi, nếu nơi nào không chọn được cán bộ thực sự có năng lực, phẩm chất tốt thì không nên thực hiện nhất thể hóa.

Tuy nhiên, để nói rằng do việc nhất thể hóa chức danh đó mà việc phê bình, tự phê bình trong tổ chức Đảng không tốt thì cần phải có khảo sát, đánh giá. Hiện chưa có đánh giá nào về vấn đề này.

Có điều, từ thực tế công tác kiểm tra, tôi thấy cán bộ lãnh đạo nào mà không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt, độc đoán, cá nhân, thì ở đó dù có nhất thể hóa hay không thì công tác phê bình và tự phê bình cũng yếu kém.

Đảng viên Đinh Đình Phú - người vạch trần vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng)

Phải bảo vệ người dám đấu tranh, phê bình

40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo ông Đảng nên làm gì để việc thực hiện Di chúc của Người thiết thực và hiệu quả hơn?

Trong Di chúc Bác nói Phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Để thực hiện được lời dặn của Bác, theo tôi chúng ta phải coi việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên. Có như vậy, sức chiến đấu của Đảng mới được duy trì, phát triển.

Ngoài ra, những quy định về đấu tranh, phê bình, tự phê bình trong Đảng cũng cần được thể chế hóa thành những quy định thật cụ thể, đồng thời phải có quy định về bảo vệ những người tố cáo nói chung và đảng viên nói riêng.

Thực tế, có nơi cứ tưởng là đoàn kết, ngon lành nhưng tham nhũng, tiêu cực âm thầm, mà không ai dám đấu tranh, do sợ bị trù dập, trả thù.

Theo ông, nên quy định như thế nào để các tổ chức Đảng luôn phát huy được tinh thần phê và tự phê bình?

Các cơ quan của Đảng đã tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành khá nhiều quy định, thể chế hóa các nguyên tắc hoạt động của Đảng, để sinh hoạt trong Đảng dân chủ hơn.

Ví dụ, vừa rồi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định về chất vấn trong Đảng. Cấp ủy viên được quyền chất vấn trong hội nghị cấp ủy. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định này còn rất hạn chế, chưa đi vào thực tế.

Còn tính nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng thì sao? Đây cũng là nhân tố tác động rất lớn đến đấu tranh, phê bình và tự phê bình trong Đảng, thưa ông?

Đúng vậy! Nhiều năm qua, mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng có không ít đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả những đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Điều đó thể hiện tính nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng.

Thưa ông, 40 năm thực hiện Di chúc của Người, có cần phát động một cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới?

Năm 2006, sau bảy năm hoạt động, ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng kết thúc nhiệm vụ. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là chúng ta kết thúc nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Mà thực tế, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục. Cũng giống như chúng ta đang thực hiện cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không chỉ là năm năm mà diễn ra thường xuyên, liên tục.

Cảm ơn ông

* Công bố các ấn phẩm phục vụ kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Bác Hồ đi xa, 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và tiếp tục triển khai năm thứ hai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sáng 26/8/2009, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi họp báo công bố các ấn phẩm đặc sắc phục vụ kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2009).

Đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia chủ trì cuộc họp báo.

* Hà Nội: Xuất bản nhiều tác phẩm về Bác Hồ

Nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với tổng kết cuộc vận động Học tập và làm theo lời Bác, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, vừa tái bản một số tác phẩm của Bác và về gương đạo đức của Bác; xuất bản mới một số tác phẩm; đặc biệt, giới thiệu bộ sách in truyền thống Hồ Chí Minh toàn tập gồm 12 tập (xuất bản lần hai) cùng CD-ROM Hồ Chí Minh toàn tập (bộ mới).

Ngoài ra, còn 22 tác phẩm xuất bản dịp này như: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh -một văn kiện lịch sử; Bác Hồ viết Di chúc; CD-ROM Tuổi trẻ VN học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh - Tiểu sử; Bác Hồ thời niên thiếu; Sửa đổi lối làm việc; Vừa đi đường vừa kể chuyện; Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - chúng ta học gì… Lễ công bố xuất bản và phát hành các ấn phẩm kể trên diễn ra ngày 26/8.

* Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức liên hoan văn nghệ chủ đề Bác Hồ một tình yêu bao la. Có 19 ban, đơn vị thuộc Đài truyền hình Việt Nam tham gia với 15 giải thưởng được trao tổng trị giá hơn sáu triệu đồng.

Bá Kiên
thực hiện