Theo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhìn chung, thành tựu giảm nghèo có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và quốc tế. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015).

Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010. Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hàng năm, 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005 - 2012 tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 2,3 - 2,5%.

Về chính sách tín dụng, từ 2005 - 2012, có gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo.

Về chính sách dạy nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2006 - 2010, có khoảng 150.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, 60% số lao động này đã tự tạo được việc làm hoặc tìm được việc làm. Từ 2010 - 2012, thực hiện Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã hỗ trợ dạy nghề cho gần 1,1 triệu lao động, tạo việc làm cho trên 55.000 người thuộc hộ nghèo.

Về chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, giai đoạn 2006 - 2010 có 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ BHYT; năm 2011 - 2012 có 29 triệu lượt người nghèo, đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT, đến 2012, 100% người nghèo, đồng bào DTTS đã được mua thẻ BHYT (trên 15 triệu người), đối tượng cận nghèo có BHYT đạt trên 1,6 triệu người (25%/tổng số người cận nghèo). Từ 2005 - 2012, ngân sách dành cho chính sách BHYT người nghèo, cận nghèo và đồng bào DTTS được bố trí hơn 38.000 tỷ đồng, so với tổng số chi thường xuyên cho y tế hàng năm đã tăng từ 27% (2009) lên 33% (2012).

Về chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, giai đoạn 2006 - 2010 có khoảng 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí; 2,8 triệu lượt học sinh nghèo được hỗ trợ vở, sách giáo khoa. Năm học 2011 - 2012 đã có trên 4 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo được hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam đã được khẳng định qua kết quả của các chỉ tiêu KT - XH, được cộng đồng quốc tế đánh giá và ghi nhận trên tất cả các khía cạnh và tiêu chí. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới, chuyển từ diện rộng trong phạm vi cả nước sang tập trung ở một số vùng miền núi, vùng ĐBKK, trong một số nhóm dân cư; chính sách giảm nghèo đã hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo và chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong công tác giảm nghèo, đó là:

Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục.

Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê cho thấy hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (2002) lên 9,4 (2012).

Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước.

Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong việc thực thi các chính sách pháp luật về giảm nghèo đó là nguồn lực hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Điều kiện kinh tế - xã hội, địa lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, trình độ dân trí của các địa bàn nghèo nhất còn khó khăn, sự tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu trong một số địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số là những rào cản đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, hiệu quả và năng suất lao động chưa cao, thị trường tiêu thụ khó khăn cũng ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo.

Một số chính sách chưa gắn với điều kiện tham gia của người nghèo nên vẫn tồn tại một số địa phương, một bộ phận cán bộ và người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách của Nhà nước.

Công tác quản lý nhà nước, phối hợp trách nhiệm giữa các Bộ, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo còn phân tán, thiếu liên kết, chưa lồng ghép được chính sách.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để công tác thoát nghèo tiếp tục phát huy được hiệu quả cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm tạo thêm động lực hỗ trợ cho người nghèo nâng cao trách nhiệm, nỗ lực để cải thiện cuộc sống của mình. Phát huy nỗ lực vươn lên, khuyến khích sự chủ động tham gia của người nghèo, cộng đồng dân cư cùng với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo là điều kiện để nâng cao khả năng thoát nghèo./.

Theo VOV