Sáng nay (13/3), phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

phai tao hanh lang phap ly cho giao duc dai hoc phat trien
Toàn cảnh phiên khai mạc

Theo tờ trình của Chính phủ, sửa đổi 39/73 điều của Luật Giáo dục đại học hiện hành và bổ sung 2 điều. Theo đó, có 15 vấn đề lớn cần sửa đổi, trong đó đáng chú ý có các vấn đề về mô hình, cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các Cơ sở giáo dục Đại học; Phân tầng, xếp hạng đại học; Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; Tự chủ và trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo trong các Cơ sở giáo dục Đại học…

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, hướng đến mục tiêu quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Về nội dung xây dựng thương hiệu, xếp hạng Đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị, nội dung này cần xem xét lại vì thứ bậc phải trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu của xã hội.

“Thương hiệu ở đây chính là thứ bậc, mà muốn có thứ bậc phải đánh giá, thi đua. Đã thi đua với thế giới thì trước tiên phải thi đua với chính bản thân mình, nghĩa là trong nước mình phải tự đánh giá với nhau. Thực tế trên thế giới, việc đánh giá các trường, xếp hạng thứ trường không phải do tổ chức Nhà nước mà do các tổ chức Hiệp hội đứng ra tổ chức theo yêu cầu của xã hội. Chỗ này cần suy nghĩ lại.”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thì, theo chức năng, sứ mệnh hiện nay đang phân thành 3 loại trường Đại học, đó là nghiên cứu, ứng dụng và thực hành, việc đánh giá thứ hạng các loại trường này, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung nên cân nhắc theo nhu cầu thực tế của đất nước. Ông Phan Thanh Bình cho rằng, không nên nói rằng nghiên cứu là đứng đầu, còn trường ứng dụng thì thấp hơn nghiên cứu, trường thực hành đứng phía dưới nữa.

Liên quan đến các quy định về nội dung tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, các ý kiến thống nhất đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Tuy nhiên đi đôi với mở rộng tự chủ cần quy định rõ trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục Đại học. Đặc biệt là vai trò, năng lực của Hội đồng trường, do đó, Dự thảo cần quy định rõ điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được tự chủ. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc minh bạch, khách quan và trung thực, cũng như quy định rõ về cơ chế kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ đại học./.