Ngay lập tức phía Palestine đã có những phản ứng mạnh mẽ trước động thái được xem là vật cản đối với tiến trình hòa bình tại Trung Đông, và thậm chí còn làm leo thang căng thẳng tình hình trong khu vực.

palestine phan ung gay gat truoc viec my ra lenh dong cua phai bo plo
Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat. (Ảnh: Getty Images)

Một trong những lý do phía Mỹ đưa ra để lý giải cho việc đóng cửa phái bộ của Tổ chức Giải phóng Palestine là vì tổ chức này đã không có những bước đi nhằm thúc đẩy một tiến trình đối thoại thẳng thắn và ý nghĩa với Israel.

Thêm một lý do khác vừa được Nhà Trắng tiết lộ là vì Palestine đã cố ý tìm cách tận dụng tòa án quốc tế để điều tra và truy tố Israel. Có vẻ như Mỹ đang phải chống lại tòa án quốc tế để bảo vệ đồng minh Israel tại chiến trường Palestine.

Ngay lập tức giới chức Palestine đã có những phản ứng mạnh mẽ trước quyết định chính trị mới nhất của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn bị cáo buộc là nhằm “bảo vệ các tội ác chống người Palestine của Israel”.

Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat cho rằng, việc đóng cửa phái bộ của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Washington (Washington) sẽ không thể ngăn cản Palestine kiện lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) chống lại Israel.

“Chúng tôi đã nhận được thông báo chính thức rằng họ sẽ đóng cửa phái bộ của Tổ chức Giải phóng Palestine cũng như hạ cờ của Palestine” - ông Saeb Erekat nói. “Đây chính là một sự khẳng định quyết tâm của chính phủ Mỹ để tiếp tục các chính sách tống tiền, phá hoại tiến trình hòa bình và giải pháp hai nhà nước. Họ cũng đã cắt tất cả các khoản viện trợ nhân đạo”.

Mỹ đã tuyên bố cắt gói hỗ trợ tài chính cho các hoạt động hỗ trợ người tị nạn Palestine, gồm cả hỗ trợ y tế và giáo dục - chương trình do Cơ quan Liên Hiệp Quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) tổ chức.

Ngoài ra, nước này cũng đã chấm dứt khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho Palestine. Chính quyền của Tổng thống Trump đang bị giới lãnh đạo Palestine chỉ trích là đã sử dụng viện trợ như một đòn bẩy để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine đồng thời lên tiếng cáo buộc Mỹ đang tiến hành chính sách trừng phạt tập thể nhằm vào người dân Palestine.

Những động thái kể trên của Mỹ, được giới quan sát nhận định, cho thấy rõ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai ủng hộ Israel - đồng minh quan trọng của nước này.

Trước đó, Mỹ đã từng được cho là quá “ưu ái” với đồng minh Israel, “chọc giận” Palestine khi bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem.

Nhấn mạnh không đầu hàng trước những sức ép từ Mỹ, tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat một lần nữa khẳng định, Nhà Trắng không thể ngăn Palestine kiện Israel ra Tòa án Hình sự Quốc tế.

Trong khi đó, ông Husam Zomlot, người đứng đầu phái đoàn của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Mỹ cũng đồng tình với quan điểm này. “Điều này càng chứng tỏ rằng chúng tôi cần thiết phải gấp đôi nỗ lực ở cả Tòa án Hình sự Quốc tế. Và chúng tôi cũng cần gia tăng nỗ lực của mình tại Mỹ để giải quyết các vấn đề còn khúc mắc cùng với người Mỹ."

Người đứng đầu Cơ quan tình báo Palestine Majib Faraj cũng vừa lên tiếng phản đối “chiến thuật gây áp lực” mới nhất của Mỹ. “Tôi nghĩ bất kể người Mỹ đang cố gắng làm gì, hay sự chiếm đóng của Israel, thì những quyết định hay chính sách của họ sẽ không bao giờ đánh bại được ý chí hay quyền lợi của chúng ta”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Palestine tiếp tục bị đẩy lên cao bởi những quyết định chính trị gây tranh cãi gần đây của chính quyền Washington.

Hiện dấy lên nhiều lo ngại rằng những bước đi này của Mỹ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người dân Palestine mà còn cản trở tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã không ít lần rơi vào ngõ cụt thời gian qua. Bởi một thực tế không thể phủ nhận là bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đều có nguy cơ phủ bóng đen lên triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Trung Đông - khu vực chiến lược nhưng đầy bất ổn.

Hơn nữa, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa thừa nhận việc đem lại hòa bình cho Trung Đông có lẽ khó hơn ông từng nghĩ. Nhận định này của người đứng đầu nước Mỹ dường như ám chỉ việc hóa giải những mâu thuẫn dai dẳng tại khu vực nhiều xung đột này không phải chuyện dễ dàng, có thể sớm giải quyết chỉ trong một sớm một chiều./.