Sự hình thành BOT Tam Nông…

Ngày 6/3/2017, trạm BOT Tam Nông (thuộc địa bàn xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) được đưa vào khai thác để hoàn vốn cho dự án “Đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (trong đó đoạn nâng cấp mở rộng QL32 chỉ 12km)” với tổng mức đầu tư trên 1.100 tỉ đồng và sẽ được thu phí trong 24 năm. Dự án do liên danh nhà đầu tư BOT Hùng Thắng thực hiện.

o to ne tram bot tam nong de song thao bi bam nat
Lái xe cho rằng, vì mức phí không hợp lý, nhiều phương tiện bất chấp nguy hiểm đi trên tuyến đê Hữu Thao để “né” trạm.

Theo lý thuyết, đoạn nào đầu tư dài, nhiều tiền hơn thì sẽ đặt trạm thu phí ở đó để hoàn vốn. Tuy nhiên, BOT Tam Nông lại được Bộ GTVT, UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý đặt tại QL32 đoạn chỉ mở rộng, nâng cấp gia cố trên chiều dài khoảng 12,7km để thu phí cho cả tuyến.

Mức phí thấp nhất 35.000 đồng/xe/lượt và cao nhất là 180.000 đồng/xe/lượt khi qua trạm thu phí này. Cũng từ đây đã nảy sinh nhiều hệ lụy.

Có BOT, đê bị nát

Ngay từ khi tiến hành thu phí, đã liên tục xảy ra việc người dân trong khu vực mang xe ra chặn đường để phản đối vị trí đặt trạm và mức phí.

o to ne tram bot tam nong de song thao bi bam nat
Xe tải né trạm BOT Tam Nông.

Sau đó, tỉnh Phú Thọ có văn bản, Bộ GTVT và chủ đầu tư BOT Hùng Thắng đã phải họp, miễn, giảm phí cho người dân địa phương. Nhưng hiện nhiều chủ phương tiện, xe cơ giới do không được miễn, giảm phí tiếp tục tìm cách né trạm thu phí này. Hệ lụy là phá nát hệ thống hạ tầng đê ngăn lũ Hữu Thao cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Nhiều lái xe khi được hỏi đều cho biết, biết là nguy hiểm và rất khó khăn, thế nhưng họ phải bất chấp để đi bằng được trên đường đê hữu Thao để tránh trạm thu phí BOT Tam Nông ngay phía dưới…

“Nói chung các ông (chủ đầu tư, chính quyền địa phương - PV) mà ưu tiên mấy xã xung quanh ở đây thì chúng tôi chả đi lên đê làm gì cả. Vì không được ưu tiên, vé thì quá đắt, chúng tôi chỉ đi 1km từ dưới xã lên đây mà mất 50.000 đồng tiền phí, xe chở thuê thế này mà phải đóng phí cao thì chả có cháo để mà húp”, ông Nguyễn Tấn Minh, xã Hồng Đà, huyện Tam Nông chua chát nói.

o to ne tram bot tam nong de song thao bi bam nat
Xe container cũng leo đê né trạm.

Một lý do nữa khiến nhiều lái xe bất chấp đi trên đê là vì họ không được miễn, giảm phí bởi xe của họ chưa sang tên đổi chủ theo quy định của trạm thu phí, mức phí mỗi lần đi qua trạm 50.000 đồng là không hề nhỏ.

“Chỉ có xe chính chủ mới được giảm thôi, xe mua chưa sang tên thì không được gì đâu. Nếu mà giảm cho chúng tôi thì tội gì chúng tôi phải đi lên đê cho vất vả”, anh Phan Văn Bình ở xã Hồng Đà nói.

Một số lái xe cho biết, trước kia để né trạm, họ thường hay rẽ qua đường xã Dậu Dương, nhưng nhiều xe đi vào đấy quá, người dân không cho đi vào nữa nên chỉ còn mỗi lối...lên đê.

o to ne tram bot tam nong de song thao bi bam nat
Mặt đê Hữu Thao đang bị xuống cấp.

“Tôi hay đưa khách đi qua đoạn này, lương thì không được bao nhiêu mà một tháng đi qua trạm rất nhiều lượt. Dù mức giá qua trạm đã giảm rồi nhưng tôi thấy như vậy vẫn còn khá cao, trong khi mình chỉ đi qua một đoạn. Biết là leo đê nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm manh áo mà phải đi. Đôi khi thấy xe to người ta còn lên được thì taxi mình ngại gì”, một tài xế taxi trên địa bàn chia sẻ.

Hiện đê hữu Thao (đoạn qua xã Thượng Nông, huyện Tam Nông) đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

“Lúc trước cũng có ô tô đi lên đây nhưng đường không đến nỗi bụi bẩn như vậy. Nhưng vừa rồi tôi thấy có máy đến múc đường trên mặt đê lên, chắc là để cho xe ô tô không qua lại được. Nhưng múc lên rồi xe họ vẫn đi, buổi tối chúng tôi không dám lên đê vì nhiều ổ voi, lầy lội và bụi bẩn quá”, chị Hằng, người dân gần đoạn đê bức xúc nói.

Giải pháp nào để cứu đê sông Thao

Theo ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng, đại diện của chủ đầu tư cho hay, từ tháng 4/2017 BOT Tam Nông đã áp dụng miễn giảm phí cho người dân vùng lân cận. Tuy nhiên, muốn được miễn giảm phí thì người dân phải đứng tên chính chủ phương tiện.

o to ne tram bot tam nong de song thao bi bam nat
Xe con cũng né tram BOT Tam Nông vì cho rằng giá phí cao.

Do quy định như vậy nên đến nay chỉ có khoảng 40% số chủ phương tiện đến đăng ký miễn giảm, số còn lại không đủ điều kiện và họ bắt buộc phải trả phí. Điều này đã khiến nhiều người đã tìm cách đi vào đường liên xã hoặc đi lên đường đê để tránh trạm thu phí.

“Với tình trạng xe đi lên đê, né trạm như hiện nay, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận hồ sơ xe của người dân địa phươnggửi đến để làm thủ tục giảm giá cho bà con theo đúng quy định và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý sớm tránh những hệ lụy sau này”, ông Hải nói.

Ông Vũ Văn Tám – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, cho rằng, điều mà chính quyền xã Thượng Nông mong muốn là chủ đầu tư BOT Tam Nông sớm có giải pháp để có thể tiếp tục miễn phí cho các chủ phương tiện xe tải trong xã dù họ chưa sang tên đổi chủ phương tiện nhằm tạo điều kiện để họ đi lại, làm ăn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sớm có biện pháp ngăn chặn xe ô tô đi trên mặt đê bởi không ai có thể lường hết sự cố tai nạn khi phương tiện lưu thông theo kiểu như thế này.

“Đây là công trình làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, những gì liên quan đến thiên tai, thiên nhiên thì rình rập không báo cho ai biết trước tình huống bất ngờ, với mức độ hư hỏng như thế thì chúng tôi kiến nghị cần phải có biện pháp cấp bách để tu sửa, gia cố và có giải pháp để ngăn phương tiện trọng tải lớn đi qua lại làm hư hại, xuống cấp thì mới đảm bảo an toàn hơn”, ông Vũ Văn Tám kiến nghị./.