Rút ngắn khoảng cách địa lý, cơ hội tiếp cận giáo dục

Dự án “60 Days” được ra mắt tại sự kiện “Tuổi trẻ: Gieo tri thức – Gặt tương lai” diễn ra tại TP. HCM vào ngày 23/4 vừa qua, thu hút hơn 500 học sinh sinh viên tham dự.

nu sinh viet tai stanford mang du an giao duc he ra dao ly son

Võ Tường Anh (SV Stanford) - người sáng lập dự án giáo dục Hè tại Lý Sơn.

Mở đầu câu chuyện về giấc mơ tuổi trẻ, cô gái 19 tuổi Võ Tường An (đồng sáng lập tổ chức ICE) kể về ý tưởng sáng lập nên tổ chức vào một chiều hè tại chương trình Học giả Trẻ Toàn cầu ở Đại học Yale, Hoa Kỳ.

Đâu đó trong khu ký túc xá Jonathan Edwards, 6 học sinh phổ thông trong chuyên đề Chiến lược Toàn cầu mơ về một tổ chức phi lợi nhuận có thể mở rộng mô hình giáo dục cho học sinh, rút ngắn khoảng cách về nhận thức và cơ hội giáo dục.

Đâu đó dưới bầu trời đầy nắng tại thành phố New Haven, họ nghĩ về một xã hội bình đẳng, nơi mà chúng ta có thể đặt kỳ vọng, sự tin tưởng và những chuẩn mực tốt đẹp vào những người bên cạnh.

Thế rồi, 6 con người, 5 múi giờ - Tường An và các bạn cùng chí hướng đã luôn gặp nhau vào buổi tối thứ 7 hàng tuần. Sau 3 năm, “Dự án số 1” – tổ chức phi lợi nhuận vì giáo dục International Catalysts for Empowerment – ICE của 6 bạn trẻ hiện đang có mặt tại Seoul (Hàn Quốc), Bangalore, New Delhi (Ấn Độ), Texas (Mỹ) và mùa hè này là TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

“Cô gái hạt tiêu” Võ Tường An sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Điều kiện kinh tế - xã hội chung ở huyện đảo còn nhiều khó khăn nhưng em đã tự lực vươn ra thế giới và xuất sắc đón “mưa” học bổng từ 12 trường ĐH hàng đầu Mỹ vào năm 2015. Chọn ĐH Stanford nhưng An không nhập học ngay mà quyết định bảo lưu 2 năm để phát triển các dự án vì cộng đồng, vì quê hương.

nu sinh viet tai stanford mang du an giao duc he ra dao ly son

Bạn trẻ TP. HCM háo hức đón chờ, đặt hỏi về cách thức trở thành TNV dự án.

Làm thế nào để những bạn trẻ có hứng thú với tích cực xã hội, đổi mới và xây dựng cộng đồng giáo dục, văn hoá, kinh tế? Làm sao để có thể kết nối những bạn trẻ lớn lên ở một hòn đảo, không được tiếp cận nhiều với văn học và sách đọc thêm bắt đầu cập nhập và đi tìm những giải pháp cho xã hội?

Tường An tâm sự, một mình bản thân em thì chẳng có đủ tài nguyên và sức ảnh hưởng để hướng đến giải pháp. Và rồi, nữ du học Việt cùng hơn 30 bạn trẻ khác đã chung tay nỗ lực và cho ra đời dự án mở mang giáo dục tại huyện đảo Lý Sơn trong mùa hè này.

Dự án “60 Days” của nhóm sẽ được triển khai tại Lý Sơn trong vòng 60 ngày liên tục. Khi đến đây, những tình nguyện viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực bằng tất cả tâm huyết và năng lực của những người trẻ. Mọi chi phí ăn ở, đi lại của tình nguyện viên sẽ được dự án đài thọ.

Tân sinh viên ĐH Stanford cho hay, BTC dự án sẽ tập trung tối đa vào xây dựng một hệ thống hỗ trợ và tài năng từ nhiều đối tượng trong xã hội cho các bạn trẻ phục vụ cộng đồng.

“Cá nhân em không nghĩ dự án 60 Days sắp tới sẽ thay đổi được hoàn toàn cuộc sống các bạn trẻ ở Lý Sơn được nhưng em hi vọng, đó là những những bước đệm, một sự bù đắp để các bạn bắt đầu đi tìm câu trả lời của riêng mình về thế giới mà các bạn muốn và xây dựng chung sống”, Tường An chia sẻ.

nu sinh viet tai stanford mang du an giao duc he ra dao ly son

Bạn trẻ được truyền cảm hứng từ các diễn giả trong sự kiện khởi động dự án.

Những người trẻ lan tỏa khát vọng xây dựng xã hội tốt đẹp

Sự kiện cũng đã mang đến những góc nhìn đa chiều về giáo dục và truyền cảm hứng cho bạn trẻ với sự góp mặt của các diễn giả khách mời. Ca sĩ Hà Anh Tuấn xuất hiện những chia sẻ chân thành về xây dựng trách nhiệm của người trẻ. Anh tin rằng tri thức là con đường mang xã hội đến với sự văn minh. Anh khiến bạn trẻ bất ngờ với khái niệm khá mới về cụm từ “quê mùa”. Ca sĩ trẻ cho rằng xã hội sẽ trở nên thực sự văn minh khi không có những con người “quê mùa”- những con người “khoác một chiếc áo quá rộng so với bản thân hay hiểu được giá trị đích thực của nó”.

Tương tự trong giới nghệ thuật, một người nghệ sỹ chân thật và văn minh sẽ tôn trọng luật lệ và bản quyền, kết nối giải trí với nhân đạo. Ca sĩ Hà Anh Tuấn kỳ vọng vào những dự án và tuổi trẻ, để ta hiểu về giá trị đích thực của bản thân không bị “quê mùa” trên đất nước của chính mình".

Diễn giả Nguyễn Hữu Trí khuấy động khán phòng với trò chơi về những mảnh giấy và đôi giày. Anh thử thách tất cả các bạn ngồi ở các vị trí khác nhau ném giấy vào chiếc rổ của mình trên sân khấu. Kết quả có 7 mảnh giấy ném vào rổ và hầu hết là từ những người ngồi ở hàng đầu. Anh chỉ ra rằng: “Việc các bạn được ngồi ở hàng đầu, gần với rổ ném trúng là một sự may mắn chứ chẳng phải là điều hiển nhiên".

Diễn giả này gửi đến đến các bạn một thông điệp: “Dù ở vị trí nào trong xã hội, sẽ luôn có cách để đi đến đích nếu bạn biết cách gói ghém các lợi thế cá nhân của mình một cách thông minh và khéo léo”. Cuối cùng, anh dùng mảnh giấy nhét vào chiếc giày và ném vào chiếc rổ ở dưới: “Khi mảnh giấy, được mang thêm gánh nặng của chiếc giày, mảnh giấy sẽ đi xa hơn. Cũng như việc làm của các bạn, khi mang lại giá trị cho xã hội sẽ lại càng đi xa hơn”.

Diễn giả Tống Khánh Linh lại định hướng các bạn trẻ có tầm nhìn về bản thân mình và về cộng đồng với chia sẻ: “Đừng bao giờ sống vội, sống vồ theo nhịp sống của xã hội mà hãy dành thời gian tự ngẫm bản thân cũng như quan sát cuộc sống xung quanh. Bên cạnh đó, sống phải có ước mơ, có tầm nhìn đưa ra mục tiêu cụ thể, sau đó cố gắng chinh phục”.