Trong căn nhà nhỏ ở thôn Bản Vèn, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, luôn có một góc để mẹ Nguyễn Thị Đường nâng niu cất giữ những kỷ vật về người con Liệt sĩ Lộc Văn Tiến. Ở tuổi gần 90, mắt đã mờ, đôi tai nghe không còn rõ, trí óc có phần kém minh mẫn, nhưng chuyện về người con trai cả, bà chưa lúc nào nguôi quên, cả chuyện anh Tiến giấu mẹ tình nguyện tham gia lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP). Bằng thứ tiếng Tày dung dị, mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện anh Tiến: "Lúc đi con chẳng nói gì, cứ lẳng lặng lên đường thôi. Cả nhà không ai biết. Hồi đấy, nó ở nhà, bố thì mới mất, nó lấy vợ xong thì đi Thanh niên xung phong".

noi nho cua me
Mẹ NGuyễn Thị Đường lần xếp những kỷ vật của Liệt sĩ Lộc Văn Tiến.

Từ ngày anh Lộc Văn Tiến lên đường, trở thành đội viên đội TNXP 915 đến lúc anh hy sinh, cũng chỉ một lần được về thăm nhà rồi đi mãi. Cuộc đời mẹ hòa vào cây cỏ, ruộng đồng, mùa vụ. Tấm lòng mẹ nhòa vào nỗi buồn vui, thương nhớ về đứa con đã hóa thân vì đất nước. Ngày tháng mẹ không đếm nổi nữa, chỉ biết nỗi nhớ cứ đong đầy theo năm tháng.

Mỗi lúc có người đến thăm hay hỏi chuyện, mẹ lại lần xếp những kỷ vật của người con trai để lại. Hành trang người TNXP vốn đã giản dị, những gì anh Tiến gửi lại mẹ cũng rất đơn sơ. Tất cả đều rưng rưng thương nhớ. Đưa cho chúng tôi xem lá thư thăm hỏi và chia buồn của Đội 91 TNXP Bắc Thái sau ngày anh Tiến hy sinh, bà lại nghẹn ngào: "Chiều hôm ấy có người đến báo tin con hy sinh, tôi chẳng còn nghĩ được gì nữa, chỉ biết khóc thôi. Rồi bảo người nhà lấy bát cơm đặt lên ban thờ để thắp hương con".

Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ trận oanh tạc Giáng sinh 24/12/1972, nhớ thương con, mẹ càng tự hào về con trai mẹ lao động quên mình và cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Di vật con để lại, mẹ trân trọng trao gửi cho đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên, để những ký ức về Liệt sĩ Lộc Văn Tiến được lưu giữ mãi mãi và tiếp tục lan tỏa niềm tự hào về Đại đội TNXP 915 anh hùng mà con trai mẹ đã gắn bó trọn vẹn máu xương./.