Men theo triền sông Sâng, chúng tôi ghé thăm một số con thuyền đang neo đậu trên địa bàn phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa - nơi ấy có những đứa trẻ tụm 5 tụm 3 chơi đùa nghịch.

Con thuyền chúng tôi ghé thăm là nơi cư ngụ của gia đình anh Nguyễn Văn Hồng (SN 1981), vợ là chị Nguyễn Thị Nga. Con thuyền cũ này được bố mẹ trao truyền khi anh Hồng lập gia đình, ngót nghét cũng gần 20 năm tuổi thọ. Anh Hồng bảo, cũng muốn tu sửa, nâng cấp để ăn ở cho an toàn, song kinh tế không có nên đành chắp vá những mục nát cố liều ở tạm.

Kể từ khi cưới vợ, đến nay hai vợ chồng đã có với nhau 2 mặt con trai, và anh chị cũng quyết chỉ đẻ 2 đứa, dù đi trái lại với quan niệm truyền thống “con đàn, cháu đống” xưa nay. “Hai đứa thôi mà vợ chồng lao đao, bữa đói, bữa thiếu chứ đẻ thêm nữa chắc còn nước chết đói!” - anh Hồng thở dài.

noi lo con chu noi xom van chai
Xóm vạn chài cầu Sâng

Là đối tượng hưởng chế độ dành cho người tàn tật, chị Nga thường xuyên ốm yếu, công việc thường niên của hai vợ chồng là đi bán tăm dạo. “Bán tăm thì sao có tiền mà nuôi nhiều, đẻ lắm. Cũng muốn cho con đến trường bằng bạn, bằng bè nhưng ngặt nỗi, miếng ăn còn chưa no lấy đâu tiền cho con đóng học” - chị Nga nghẹn lời.

Nói rồi chị Nga ôm con vào lòng, xoa đầu hai đứa trẻ, một hơn 10 tuổi, một đứa 7 tuổi. Tôi thắc mắc “Xóm chài có tổng bao nhiêu trẻ độ tuổi đến trường? Bao nhiêu cháu được đi học?”. Ông Thủy, cán bộ Mặt trận Tổ quốc phường Đông Thọ đi cùng cho biết: “Khoảng hơn 30 cháu. Số ít được đến trường, phần chủ yếu là ở nhà!”.

Nóc thuyền bên cạnh là gia đình chị Cúc. Ở tuổi 39, chị có tới 5 mặt con. Chị Cúc có 2 đứa con đầu học hết lớp 5 ở trường rồi mới đi làm. Do kinh tế khó khăn, phần vì phải lo nhiều miệng ăn trong gia đình nên 3 cháu nhỏ còn lại đành phải ở nhà, học lớp miễn phí.

noi lo con chu noi xom van chai
Những đứa trẻ lớn lên không được đến trường

“Biết là đến trường thì tốt cho các cháu, nhưng đi học có nhiều khoản phải đóng góp, vợ chồng không đủ sức lo” - chị Cúc thở dài.

Nhìn bao quát xóm chài có cả chục đứa trẻ lấm láp nô đùa. Tất cả đều rất hồn nhiên, ngây thơ, kháu khỉnh. Tôi nghĩ tới tương lai của chúng mà ái ngại. Những đứa trẻ này, rồi đây cũng như bố mẹ chúng, lại bám con thuyền để mưu sinh bữa đói bữa no.

Ông Nguyễn Văn Thủy, cán bộ Mặt trận Tổ quốc phường Đông Thọ cho biết: “Dù các cháu không được đến trường nhưng hàng tuần vẫn có các nữ tu sĩ đến dạy học miễn phí. Vì kinh phí có hạn, các cô cũng chỉ dạy cho các cháu biết con chữ, biết một chút tính toán chứ cũng chẳng phân dạy theo các cấp học như chính quy nhà trường”.

“Phường, thành phố cũng rất quan tâm đến đời sống của người dân nơi đây, thường xuyên thăm hỏi, động viên, trao quà. Đã có một đợt tái định cư cho 36 hộ đồng bào sông nước, thế nhưng một số hộ sau khi tái định cư lên cạn lại quay trở lại xóm chài. Họ bảo ở không quen, không biết làm gì. Thực tế, vẫn có những hộ còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước.

Riêng chuyện học của các cháu thực đáng lo ngại. Số ít hộ có điều kiện cho con đến trường, số còn lại thì trông chờ vào những lớp dạy học miễn phí. Trong khi đó, với những hộ neo đậu không có khẩu ở phường thì gần như chuyện học hành của các cháu còn bỏ hẳn” - ông Thủy cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Chủ tịch UBND phường Đông Thọ trăn trở: “Ngày trước làng chài xóm Thành Công ven cầu Sâng đông đúc lắm, càng về sau thì các hộ hoặc lên bờ hoặc đi xa di tản, đến nay chỉ còn khoảng chục nóc thuyền neo đậu cố định, có khẩu ở phường. Các hộ khác thì chỉ tập trung neo đậu thời điểm, ngày lại di tản ra các khúc sông khác mưu sinh. Do thích ứng với cuộc sống đô thị, nhiều gia đình chú trọng việc học hành của con, số còn lại do nhận thức còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm”.