no xau van la moi nguy trong ngan han cua kinh te viet nam
Nhà tư vấn tài chính-kinh tế Phạm Nam Kim tại Thụy Sĩ. (Ảnh: Nguyễn Thái/Vietnam+)

Thật vậy, từ 2 năm nay tăng trưởng kinh tế vẫn dựa trên hai lĩnh vực là doanh nghiệp FDI và đầu tư bất động sản. Từ đầu năm đến nay doanh nghiệp FDI vẫn là nhân tố chủ yếu cho tăng trưởng, tuy nhiên ảnh hưởng trực tiếp của những doanh nghiệp này chỉ hạn chế trên lãnh vực lao động thu nhập thấp, phụ liệu cần thiết cho sản xuất đều nhập khẩu, điển hình là công ty điện thoại di động Samsung.

Trên những lĩnh vực khác, khai thác dầu thô, kim loại, than, gỗ... thì giá thị trường trong năm 2017 vẫn ở mức rất thấp. Để có được thu nhập bằng những năm trước, Việt Nam phải tăng cường khai thác và xuất khẩu gấp đôi gấp ba lần, điều này rất khó thực hiện.

Riêng về nông nghiệp, thủy hải sản thì thiên tai trong năm đã gây ra những hệ lụy không nhỏ, thêm vào đó xuất khẩu còn bị hạn chế vì những lý do an toàn vệ sinh và ô nhiễm môi trường.

Ngoài lĩnh vực sản xuất, những yếu kém của nền kinh tế quốc gia như mức nợ công, thâm hụt ngân sách, nợ xấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ là những nút thắt mà Việt Nam vẫn chưa có phương án xử lý phù hợp.

Nhìn vào triển vọng của kinh tế quốc gia trong ngắn hạn cần giải quyết ngay vấn đề nợ xấu. Căn nguyên của tình trạng hiện nay bắt đầu từ hơn 10 năm trước, khi tăng trưởng tín dụng bình quân của nhiều ngân hàng lên tới 80%/một năm nhằm đổ tiền vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán, vàng…

Để ngăn chặn, chính phủ đã ra quy định áp mức sàn đối với vốn điều lệ trong bộ luật ngân hàng mới.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lách luật bằng cách sử dụng hình thức sở hữu chéo để tăng vốn điều lệ và khiến cho mức tăng tín dụng vẫn ở mức bình quân 80% một năm. Điều này gây ra những rủi ro tín dụng của những khoản vay, và cuối cùng kết tinh thành các khối nợ xấu khổng lồ khi "bong bóng" đầu cơ vỡ.

Để tránh tồn đọng nợ xấu, nhiều ngân hàng tìm cách giấu các khoản nợ xấu này vào các công ty con. Nhà nước đã can thiệp bằng nhiều biện pháp để tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, một trong số đó là thành lập Công ty mua bán nợ xấu (VAMC).

Ý tưởng của VAMC là rất tốt nhưng cách thức xử lý nợ xấu tới nay cho thấy chưa hiệu quả. Thật vậy, theo kế hoạch, VAMC mua lại ‘tạm thời’ những khoản nợ xấu của ngân hàng và trả bằng một tờ giấy chứng nhận, với tờ giấy này ngân hàng có quyền xóa nợ xấu trên sổ sách và mượn tiền Ngân hàng Nhà nước nếu cần. Nhưng nếu sau 5 năm nợ xấu không bán được thì VAMC sẽ trả lại nợ xấu cho ngân hàng, nếu bán được nợ xấu dưới giá khoản vay thì thua lỗ, ngân hàng sẽ phải chịu.

Phương án này rốt cuộc chỉ giúp ngân hàng xóa bỏ trên sổ sách ‘tạm thời’ khoản nợ xấu, nhưng ngân hàng sẽ vẫn hoàn toàn phải gánh chịu khoản nợ xấu, dù có bán được cũng vẫn chịu khoản thua lỗ.

VAMC lại vướng phải một rào cản là không có quyền bán lại nợ xấu vừa mua lại của ngân hàng. Do đó, một số ngân hàng vẫn chưa thể thoát nguy cơ nợ xấu buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bằng việc mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng.

Tiếp đó, Chính phủ đã ra Nghị quyết 42 cho phép VAMC bán đấu giá nợ xấu thu mua của ngân hàng, giá này là giá thị trường và có thể thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ. Với Nghị quyết 42, phương án xử lý nợ xấu thông qua công ty VAMC sẽ được thi hành triệt để.

Nhưng liệu phương án này có thực sự giải quyết được vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng? Ước tính bán nợ xấu ngân hàng có thể chỉ thu hồi về khoảng 40% giá trị của khoản vay, tức nếu VAMC bán thì ngân hàng sẽ mất trắng 11% tổng dư nợ.

Trong khi đó, theo thông lệ quản lý ngân hàng trên thế giới, với 11% giá trị bị mất đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ không còn vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Vấn đề thứ hai là xử lý ngân hàng yếu kém và ngân hàng 0 đồng. Một số không nhỏ ngân hàng hiện đang trong tình trạng mất hết vốn, không còn khả năng hoạt động, trong đó có 9 ngân hàng đã nằm trong dạng kiểm soát đặc biệt.

Chính phủ trước kia đã quyết định mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng. Giải pháp này thực sự rất tốn kém và tác động không tốt tới ngân sách nhà nước.

Những phương án như sáp nhập với ngân hàng quốc doanh, bán cho ngân hàng nước ngoài đều không khả thi, phương án cuối cùng của chính phủ dường như là sẽ cho phá sản những ngân hàng này và luật phá sản ngân hàng đang được bàn cãi ở quốc hội.

Phương án này, tuy nhiên, sẽ có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế nói chung và trên ngành ngân hàng nói riêng.

Nguy cơ thứ nhất là hiệu ứng Domino do sở hữu chéo giữa các ngân hàng, liên kết sân sau, thương vụ liên ngân hàng, một ngân hàng phá sản có thể kéo theo khó khăn cho hàng loạt ngân hàng khác và làm sụp đổ luôn hệ thống ngân hàng.

Nguy cơ thứ hai là người dân khi hay được tin ngân hàng có thể bị phá sản liền chạy đến rút tiền gửi ở tất cả những ngân hàng mà họ nghi có rủi ro bị phá sản và như ở nguy cơ thứ nhất, sức lan truyền theo hiệu ứng Domino sẽ có thể làm đổ vỡ cả hệ thống.

Hiệu ứng Domino đã từng xảy ra vào năm 2008, Lehmann Brother bị phá sản đã gây ra khó khăn cho hàng loạt ngân hàng trên thế giới và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới. Từ bài học này, không một chính phủ nào dám để một ngân hàng phá sản.

Trong tình trạng kinh tế Việt Nam mới phục hồi thoát cảnh suy thoái và với một hệ thống ngân hàng đang tồn tại nhiều vấn đề, việc phá sản một loạt ngân hàng sẽ gây ra những tác động kinh tế-xã hội khó lường./.