no luc chong qua tai o cac truong mam non
Trường Mầm non xã Phú Thịnh (Đại Từ) đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 từ năm 2012. Trong ảnh: Giáo viên Nhà trường hướng dẫn trẻ tự làm đồ chơi.

Trong vấn đề giải quyết tình trạng quá tải, các trường MN trên địa bàn huyện Đại Từ đều gặp phải khó khăn chung là thiếu kinh phí và quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường lớp. Trước thực trạng này, ông Trần Đăng Minh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng, triển khai kế hoạch khắc phục tình trạng quá tải về trường lớp, học sinh trong các trường MN; đồng thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển giáo dục trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung chỉ đạo ngành Giáo dục, những cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng quỹ đất cho các trường; đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi phục vụ chương trình giáo dục mầm non...

Hàng năm, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, huyện đã vận động nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng để tu sửa, mở rộng, nâng cấp hệ thống trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy và học. Riêng trong năm học 2016-2017, huyện huy động được gần 12 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tại các trường trên địa bàn, trong đó bậc học mầm non được đầu tư trên 5,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều trường đã được nâng cấp, mở rộng.

Trước đây, Trường MN xã Khôi Kỳ luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2017, Trường đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thái Nguyên đầu tư 3 tỷ đồng, cùng với ngân sách của huyện để xây dựng thêm nhà lớp học 2 tầng với 6 phòng học đạt chuẩn có đầy đủ nhà vệ sinh khép kín. Nhờ đó, đã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, giáo dục trên 400 trẻ trên địa bàn.

Trước đó, Trường MN xã Phú Lạc cũng được xây thêm một điểm trường tại xóm Lũng để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân. Trường MN Phú Lạc có 2 điểm trường, điểm chính ở xóm Na Hoàn với 8 phòng học, riêng khu lẻ, trước cô và trò nhà trường phải học nhờ nhà văn hóa xóm Lũng. Vì thế nên điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp khó khăn, thiếu nhiều công trình phụ trợ. Từ năm học 2014-2015, được Tổ chức Plan hỗ trợ 700 triệu đồng cùng các tổ chức, cá nhân đóng góp thêm và nguồn ngân sách huyện, Trường đã xây dựng được 2 phòng học, 1 bếp ăn bán trú, cùng các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng. Nhờ đó, điểm trường này đã có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc, giáo dục trẻ tại 4 xóm: Lũng 1, 2, 3 và Đại Hà.

Ngoài 2 trường nêu trên, thời gian qua, nhiều trường MN trên địa bàn huyện đã được xây dựng, mở rộng. Các địa phương đã bố trí trên 11.000m2 đất, đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mở rộng 11 trường học như các trường MN: Mỹ Yên, Bản Ngoại, Yên Lãng, Hà Thượng, Quân Chu, Ký Phú... Những cố gắng đó đã phần nào giảm tải cho các trường MN. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ở các địa phương thì vẫn còn thiếu nhiều phòng học, cần phải có nguồn lực để đầu tư. Năm học 2017-2018, toàn huyện có 2.159/8.326 trẻ, đạt tỷ lệ huy động 25,9%. Tổng số trẻ mẫu giáo ra lớp là 9.659/10.279, đạt 94%.

Những năm gần đây, trong điều kiện các trường MN đều quá tải, để đạt được kết quả: 100% các trường MN trên địa bàn đều tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ, trẻ 5 tuổi đều ra lớp ngay từ đầu năm học và được học một năm chương trình giáo dục mầm non tại các trường MN, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp 1, tỷ lệ đi học thường xuyên của độ tuổi này đạt 92 - 95%... là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường MN trên địa bàn.

Đại Từ là địa phương có nhiều trường học, vì thế cần sự đầu tư kinh phí rất lớn, trong khi đó nguồn ngân sách thì hạn hẹp, đòi hỏi huyện phải huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhân dân cùng chung tay vì sự nghiệp GD-ĐT. Nhưng việc huy động xã hội hóa giáo dục cũng không thể làm trong một sớm một chiều mà phải từng bước hoàn thiện dần hệ thống cơ sở vật chất trường học, vì thế trước mắt để giải quyết tình trạng quá tải ở các trường MN, huyện chỉ đạo các trường tận dụng tối đa các phòng chức năng để làm phòng học, chia nhóm học, bố trí thêm giáo viên để quản lý lớp. Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.

Bên cạnh đó, ưu tiên ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục để tăng cường sự ủng hộ của các lực lượng xã hội nhằm huy động sự chung tay của cả cộng động cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Ngoài ra, tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền triển khai Đề án kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2016 - 2020 gắn với việc quy hoạch và chuẩn hóa trường, lớp học theo quy định để đạt trường chuẩn quốc gia, đề xuất kiến nghị với cấp có thẩm quyền có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển GD-ĐT ở địa phương.

Ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT huyện, các nhà trường cũng chú trọng ổn định đội ngũ, phân công sử dụng hợp lý số giáo viên hiện có theo quy định. Năm 2016, huyện đã bổ sung 58 biên chế giáo viên và 9 nhân viên cho các trường MN trên địa bàn; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động và tiếp nhận toàn bộ số trẻ ra lớp, thực hiện đúng chương trình giáo dục mầm non, tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường... Từ đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học MN./.