Đến nay, cả nước có hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền lên đến hơn 14 nghìn tỷ đồng nhưng chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào bị khởi kiện.

Đây là thông tin được đưa ra trong hội nghị trực tuyến “Triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)” do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức sáng 16/11, tại Hà Nội.

no bhxh bhyt toi 14000 ty ma chua co doanh nghiep nao bi khoi kien
Hội nghị Triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết 31/10, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 197.596 tỷ đồng, đạt gần 78% kế hoạch. Tổng số nợ là 14.237 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là 9.550 tỷ đồng, chiếm gần 68% tổng số nợ. Nhiều địa phương có số doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng ở mức cao như Bạc Liêu (20%), Bình Định (18,8%), Đắc Nông (19,5%), Hòa Bình, Lạng Sơn, Long An, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Sơn La, Trà Vinh, Tuyên Quang trên 10%…

Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đây là con số đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Nguyên nhân nợ BHXH, BHYT, BHTN ngoài điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động còn có nguyên nhân chủ yếu từ cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp chưa quyết liệt trong công tác thu hồi nợ, chỉ đạo việc đôn đốc thu nợ; Chưa chủ động báo cáo và đề xuất với UBND các cấp chỉ đạo, xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; Chưa phối hợp với cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đôn đốc chuyển tiền đóng BHYT cho một số đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng. Cá biệt, BHXH tỉnh An Giang từ tháng 1/2015 đến thang 9/2016, chưa thu được tiền đóng BHYT của hơn 60 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội là 66 tỷ đồng. Cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương cũng chưa chủ động phối hợp với Liên đoàn lao động để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng; chậm triển khai công tác thanh tra, xử phạt các đơn vị nợ đọng kéo dài…

Ông Trần Đình Liệu đề nghị BHXH các tỉnh đề xuất với UBND các cấp…cương quyết xử lý các doanh nghiệp chây ỳ: “Chúng tôi một mặt Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ đi giám sát, đồng thời kiểm tra và tháo gỡ những khó khăn của địa phương khi tổ chức khởi kiện những doanh nghiệp nợ đóng mà vi phạm theo quy định của pháp luật. Chúng ta vừa tuyên truyền nhưng vừa giáo dục, vừa thuyết phục nhưng cũng phải dùng các biện pháp theo quy định của pháp luật. Nếu các đơn vị mà cố tình vi phạm, xử phạt không xong thì phải xử lý đến trách nhiệm hình sự những đơn vị này thì mới có tính dăn đe, mới tốt lên được”

Tại hội nghị, Bảo hiểm xã hội các điểm cầu ở một số địa phương như Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP HCM… đã báo cáo việc thực hiện thu nợ bảo hiểm xã hội cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc thanh tra, kiểm tra, khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng. Điển hình như TP HCM có hơn 60 nghìn doanh nghiệp nhưng có đến 35 nghìn doanh nghiệp đang nợ đọng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Một trong những nguyên nhân khó thu nợ hoặc khởi kiện doanh nghiệp do chế tài xử phạt ko nghiêm không đủ sức răn đe.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Quy định của Luật BHXH 2014 cho phép tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, đến nay, chưa có doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH nào được tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa.

Vì vậy, ông Mai Đức Chính yêu cầu từ nay đến cuối năm, mỗi tỉnh, thành phố phải khởi kiện 10 đến 15 doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT ra tòa, đồng thời công khai danh tính các doanh nghiệp này trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, 15 tỉnh được lựa chọn thí điểm phải xúc tiến ngay việc khởi kiện: “Chúng tôi đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố phải làm đơn khởi kiện ra tòa, xem tòa thụ lý như thế nào. Nếu tòa án không thụ lý thì báo cáo lý do để Tổng liên đoàn phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao để tìm cách tháo gỡ. Chúng ta không thể không làm một động thái gì, chúng ta cứ nói ký quy chế phối hợp nhưng đến nay kết quả là gì thì chúng ta chưa có. Điều đó cho thấy việc thực hiện, chấp hành pháp luật chưa nghiêm”./.