Lời giải cho “bài toán” kiện toàn chi ủy

Mới đây, chúng tôi có cuộc khảo sát về kết quả xây dựng chi ủy ở CBĐĐ đủ quân thuộc nhiều đảng bộ sư đoàn, lữ đoàn... Điều băn khoăn là số lượng các CBĐĐ có chi ủy thời gian gần đây ở khá nhiều đơn vị có xu hướng giảm. Ví như ở Đảng bộ Sư đoàn 316 (Quân khu 2), dù có nhiều CBĐĐ bộ binh đủ quân theo biên chế, nhưng chỉ có 3 tổ chức Đảng ở cấp này có chi ủy, trong đó, Đảng bộ Trung đoàn 174 có 2/9 CBĐĐ bộ binh có chi ủy… Theo Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Ủy viên Thường vụ, Phó chính ủy Quân khu 2, hiện nay ở Đảng bộ Quân khu 2, số CBĐĐ đủ quân có chi ủy chỉ chiếm 59,76%.

nhung vuong mac can som co giai phap thao go
Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Lai Châu kiểm tra nội dung nghị quyết của Chi bộ quân sự xã Mường So, huyện Phong Thổ. Ảnh: QUANG THẮNG.

Ở Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), Sư đoàn 2 (Quân khu 5), số CBĐĐ có chi ủy cũng giảm nhiều so với trước đây. Lý giải về thực tế này, lãnh đạo các đơn vị nêu trên cho biết, những năm qua, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 147-NQ/ĐUQSTƯ (ngày 4-4-2008) của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội giai đoạn mới, Đảng bộ các quân khu, quân đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên củng cố, kiện toàn đầy đủ cấp ủy các cấp; đặc biệt là ưu tiên xây dựng các CBĐĐ bộ binh có chi ủy vững chắc cả về số lượng và chất lượng. Thế nhưng, trước yêu cầu tinh giản biên chế nên công việc này gặp một số khó khăn, vướng mắc và là “bài toán khó” đối với tổ chức Đảng ở cơ sở.

Nói về vấn đề này, Trung tá Sa Minh Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316), giải thích:

- Khi điều chỉnh quân số theo khung biên chế mới, ở cấp ĐĐBB hiện nay chỉ còn 7 biên chế cán bộ “cứng”, trong đó, Ban chỉ huy đại đội gồm 4 đồng chí: Đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, phó đại đội trưởng và chính trị viên phó đại đội; còn lại là 3 đồng chí trung đội trưởng. Như vậy, so với trước sẽ không còn biên chế đội ngũ cán bộ phó trung đội trưởng (3 đồng chí) và nhân viên chuyên môn (quân khí, y tá) là QNCN như mẫu biên chế cũ, do đó, số lượng đảng viên chính thức ở cấp này thường không đủ 9 đồng chí và không bảo đảm điều kiện thành lập chi ủy theo quy định của Điều lệ Đảng.

Theo lãnh đạo các đơn vị, với đặc thù đơn vị chủ lực, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ thì nên chăng, chủ trương tinh giản biên chế cần được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, sát với yêu cầu thực tiễn hoạt động quân sự và đặc thù công tác. Thực tế, việc CBĐĐ không kiện toàn được cấp ủy có ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở, nhất là chi phối đến nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Qua khảo sát, các ý kiến của lãnh đạo các cấp đều cho rằng, ở CBĐĐ đủ quân thì nên kiện toàn chi ủy sẽ tốt hơn cho tổ chức, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế cũng cho thấy, ở các CBĐĐ đủ quân có chi ủy thường có năng lực lãnh đạo tốt hơn, sức chiến đấu được phát huy đầy đủ hơn, tập thể đại đội cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn so với các CBĐĐ đủ quân chỉ có bí thư và phó bí thư.

Để tháo gỡ vướng mắc này, lãnh đạo các Sư đoàn 308, 312 (Quân đoàn 1), Sư đoàn 316 (Quân khu 2), Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2)… đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo. Một mặt, các cấp ủy coi trọng nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ bí thư, phó bí thư; ưu tiên tăng cường, điều chuyển cán bộ chất lượng cao, được đào tạo về các đại đội quản lý bộ đội... Mặt khác, tổ chức Đảng cũng làm tốt việc phân công cấp ủy viên cấp trên trực tiếp tham gia sinh hoạt; tăng cường chỉ đạo, kết hợp với kiểm tra, giám sát, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của CBĐĐ... Cùng với đó, việc phát triển Đảng trong hạ sĩ quan, chiến sĩ được các cấp rất quan tâm. Tuy nhiên, do thời gian tại ngũ của chiến sĩ ngắn, chỉ đủ cho công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới, khó kịp kiện toàn, bổ sung vào cấp ủy. Hơn nữa, chi ủy sẽ thiếu vững chắc, sức lãnh đạo và tính chiến đấu không cao nếu chi ủy thường xuyên thay đổi nhân sự theo năm.

Trung tá Nguyễn Đức Tăng, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 308, đề xuất:

- Cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, nhưng đây chỉ là những phần việc trước mắt, còn về lâu dài, rất cần những điều chỉnh, định hướng ở tầm vĩ mô. Mong rằng, cơ quan chức năng sớm vào cuộc, nghiên cứu để có chủ trương, giải pháp đồng bộ, căn cơ; chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tháo gỡ vướng mắc này.

Gỡ khó để CBQS hoạt động hiệu quả

Nếu việc xây dựng chi ủy ở CBĐĐ đủ quân còn không ít “cái khó” đối với các Đảng bộ đơn vị chủ lực, thì việc xây dựng CBQS xã, phường lại là trăn trở của Đảng bộ quân sự và cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đại tá Lê Huy Lượng, Phó bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, chia sẻ:

- Ngay từ năm 2011, Đảng bộ quân sự tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị tổ chức điều tra, khảo sát 108 cơ sở dân quân, làm cơ sở thành lập các CBQS trên địa bàn. Thế nhưng sau khi thành lập, việc vận hành tổ chức Đảng ở cấp này như thế nào để phát huy hiệu quả tốt nhất vẫn là điều trăn trở của chúng tôi.

Đồng chí Lê Huy Lượng dẫn chứng thực tế rằng, CBQS ở các xã, phường ở khu vực thành phố và đồng bằng thì hoạt động tương đối thuận lợi, còn CBQS ở các xã vùng cao, vùng xa thì hoạt động khó khăn, hiệu quả chưa cao. Hiện tại, Đảng bộ quân sự tỉnh đang triển khai thực hiện với tinh thần làm thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Tương tự, ở Đảng bộ quân sự tỉnh Lào Cai, số lượng CBQS xã, phường dần “vơi đi”, từ 9 CBQS thành lập ban đầu, nay chỉ còn lại 6 CBQS. Đại tá Nguyễn Định Hợp, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Sở dĩ có tình trạng trên là vì địa bàn các xã vùng cao diện tích rất rộng, số lượng đảng viên ít, chất lượng đảng viên còn mức độ, nên việc duy trì chế độ sinh hoạt của CBQS khó thực hiện thành nền nếp; thậm chí, một số CBQS hoạt động còn nặng về hình thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu chưa đạt yêu cầu.

Căn nguyên của hạn chế trên, trước hết là do chức danh bí thư CBQS xã, phường thường do bí thư Đảng ủy xã, phường kiêm nhiệm. Trong khi đó, nhiệm vụ của cán bộ cơ sở khá “nặng”, cùng lúc đảm trách nhiều “vai”, nên việc phân chia thời gian, công sức gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, ở một số nơi, trình độ cán bộ còn hạn chế, dẫn đến chồng chéo, trùng lặp về nội dung lãnh đạo, chỉ đạo; hoặc nhầm “vai” giữa bí thư cấp ủy và bí thư CBQS… Cùng với đó, kết quả khảo sát ở xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cho thấy, phần lớn đảng viên trong CBQS xã, phường có nguyện vọng muốn được sinh hoạt ở chi bộ thôn, bản…, vì đường sá đi lại xa xôi, khó khăn trong mỗi lần đến sinh hoạt định kỳ. Ví như ở CBQS xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), để đến dự sinh hoạt CBQS định kỳ, nhiều đảng viên phải băng rừng, lội suối đi bộ hàng chục cây số…

Đồng chí Hoàng Mạnh Phúc, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), chia sẻ:

- Không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của CBQS địa phương, nhưng cần căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng địa phương để tính toán kỹ việc nên hay không nên thành lập CBQS.

Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng CBQS xã, phường khó phát triển, hoạt động chưa hiệu quả là do thiếu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đối với công tác xây dựng CBQS cấp xã, phường. Nhiều lãnh đạo cấp huyện, xã vẫn phân vân vì cách thức tổ chức và chất lượng hoạt động của CBQS. Một số đồng chí cho rằng, việc xây dựng CBQS cấp xã là chồng chéo và “thêm việc” cho đảng viên ở cơ sở, vì công tác quân sự, quốc phòng là nhiệm vụ chung của cấp ủy, chính quyền mỗi cấp. Ở một số địa phương khác, hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nội dung này chưa được hoàn thiện. Hơn nữa hiện nay, phụ cấp trách nhiệm và đặc thù cho cán bộ phụ trách lĩnh vực này thấp, không thu hút và tạo ra động lực công tác cho cán bộ, đảng viên…

Thượng tá Nguyễn Tiến Minh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Thổ, kiến nghị: Cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu một cách đồng bộ để lựa chọn hình thức, phương pháp hoạt động phù hợp cho CBQS xã, phường, nhất là việc chỉ đạo, hướng dẫn các đầu mối cơ sở điều chỉnh lại cơ cấu đảng viên, đồng thời cũng sớm kiểm tra, định hướng để cơ sở bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của CBQS cho phù hợp với thực tế địa phương.